Tọa đàm Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư
(BĐ) - Sáng 8.11, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức tọa đàm Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Dự tọa đàm có lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, sở, ngành; 93 đại biểu là Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị, thành phố và các xã, phường, thị trấn.
Chủ trì tọa đàm có bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; cùng các Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phạm Văn Nam, Hồ Sỹ Dũng và Hồ Thị Kim Thu.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: C.H
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Sỹ Dũng, trong những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, xác định đúng vai trò, nhiệm vụ của Ban Công tác Mặt trận là: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình hành động của MTTQ các cấp; thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri ở khu dân cư với cấp ủy Đảng và Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.116 Ban Công tác Mặt trận khu dân cư với tổng số 7.839 thành viên. Thời gian qua, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp, kế hoạch, chương trình thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…
Mặt khác, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư còn triển khai 1.511 mô hình tự quản trên nhiều lĩnh vực, cách làm hay được nhân rộng như: “Góp vốn giúp nhau không tính lãi”; “Thu gom phế liệu đổi triệu cây xanh”; “Hố thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng”; “Hòm thư góp ý”; “Tiếng kẻng an ninh”; “Tộc họ hiếu học, Tộc họ không phạm tội” và nhiều mô hình hiệu quả khác được nhân rộng tại địa phương.
Đồng thời, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, trong đó hằng năm có trên 94,3% khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức cả phần lễ và phần hội với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp, mở rộng đối tượng; phối hợp vận động đăng ký thực hiện gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, hằng năm có từ 95% hộ gia đình trở lên đạt gia đình văn hóa và 94,9% khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa; tổ chức giám sát và động viên nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư còn những khó khăn, hạn chế, như: Công tác tham mưu cho chi ủy chi bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động ở một số nơi chưa chủ động, còn chung chung, thiếu cụ thể; Ban công tác Mặt trận một số nơi chưa thực sự sát dân, gần dân; chưa nắm bắt, kiến nghị và phối hợp giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã phát biểu 11 ý kiến thảo luận làm rõ thêm về những kết quả nổi bật của đội ngũ cán bộ Công tác Mặt trận khu dân cư; đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, hoạt động của Ban Công tác Mặt trận và đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian đến.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ phát biểu kết luận tọa đàm. Ảnh: C.H
Phát biểu tại tọa đàm, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được thời gian qua của các Ban Công tác Mặt trận khu dân cư.
Thời gian tới, bà Nguyễn Thị Phong Vũ đề nghị Ban Công tác Mặt trận cần phải tăng cường phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò là tổ chức phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên trong Mặt trận, trực tiếp tập hợp, đoàn kết, vận động mọi người dân thực hiện các chính sách, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Song song đó, Ban Công tác Mặt trận cần củng cố, kiện toàn tổ chức đảm bảo thành phần, thành viên theo đúng quy định; xây dựng quy chế hoạt động rõ ràng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; cần tập trung tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Công tác Mặt trận để triển khai các phong trào thi đua linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tiễn địa phương, thu hút được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia các phong trào, cuộc vận động.
Nguồn: BTV
“Ban Công tác Mặt trận cần chủ động gần dân, sát dân, nắm chắc tình hình nhân dân ở khu dân cư, kịp thời phát hiện những tâm tư, bức xúc trong nhân dân và đề xuất, tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan có phương hướng giải quyết, hạn chế thấp nhất phát sinh những điểm nóng ở cơ sở”, bà Vũ nhấn mạnh.
CHƯƠNG HIẾU