Triển khai hiệu quả cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024.
Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội đã kết thúc vào sáng 8.11.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên chất vấn này đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt ĐBQH thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các phó thủ tướng và 21 bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị ĐBQH.
"Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của ĐBQH", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc chất vấn. Ảnh Như Ý
Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Quốc hội sẽ xem xét ban hành nghị quyết về chất vấn vào cuối kỳ họp. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật. Xem xét, xử lý nghiêm cá nhân, tập thể trong việc chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.
Đối với lĩnh vực kinh tế tổng hợp, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và hộ kinh doanh; ưu tiên thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Đối với lĩnh vực kinh tế ngành, cần khẩn trương phê duyệt, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện 8. Khẩn trương xây dựng, ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Với lĩnh vực nội chính, tư pháp, cần sớm hoàn thành có chất lượng hệ thống vị trí việc làm trong toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024.
Đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội, cần quan tâm bố trí nguồn lực cho giáo dục, đào tạo và văn hóa. Xây dựng, trình Quốc hội ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam tại kỳ họp gần nhất.
Tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2025. Tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định và việc phát hành sách giáo khoa.
Có 457 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt ĐBQH thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Ảnh: Quốc hội.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng thực hiện các chính sách xã hội, gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, xử lý kịp thời và có hiệu quả các rủi ro, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Có giải pháp đột phá giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập; bảo đảm duy trì tỷ lệ tiêm các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trên 90%.
Theo Luân Dũng (TPO)