Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, chiều 8.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Bổ sung quy định nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp cho đấu giá viên
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH Bình Định) góp ý về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá và thực hiện.
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy góp ý về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Theo ĐB Thủy, đấu giá viên là một nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp, nhất là khi trong dự thảo Luật đã bổ sung nội dung thực hiện đấu giá trực tuyến với nhiều thành phần tham gia, nên họ cần am hiểu rất nhiều lĩnh vực. Vì vậy, ĐB đề nghị trong quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, cần yêu cầu trình độ tối thiểu tốt nghiệp đại học trở lên.
ĐB thống nhất với quy định chương trình đào tạo nghề đấu giá tài sản được xây dựng và Nhà nước phê duyệt. Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, cập nhật kiến thức hằng năm chịu sự quản lý và giám sát của cơ quan Nhà nước.
Tuy nhiên, đề nghị ban soạn thảo cần đánh giá rõ việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định có thay thế cho việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề cho đấu giá viên do tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên thực hiện được quy định tại Điều 21 của Luật Đấu giá tài sản hay không.
“Chúng ta cần nâng cao việc chuyên nghiệp hóa lĩnh vực nghề nghiệp, yêu cầu đấu giá viên phải chuyên nghiệp, đủ kiến thức, năng lực thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về việc đấu giá viên không được kiêm nhiệm các chức danh bổ trợ tư pháp khác như luật sư, công chứng viên, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, trọng tài thương mại... nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp của đấu giá viên”, ĐB Thủy nhấn mạnh.
Ban soạn thảo cũng cần quy định đấu giá viên hành nghề phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề đấu giá tài sản bắt buộc hằng năm nếu muốn tiếp tục được hành nghề. Đồng thời, cần có quy định cụ thể hơn về số thời gian cần tham gia cập nhật kiến thức và cơ quan quyết định hoặc phê duyệt chương trình nội dung bồi dưỡng bắt buộc hằng năm.
Quy định này cũng nhằm khắc phục tình trạng một số đấu giá viên có thẻ nhưng ít trực tiếp hành nghề, không có cơ hội cập nhật các quy định pháp luật hoặc nghiệp vụ mới.
ĐB cũng thống nhất với cơ quan thẩm tra về việc làm rõ quy định về “nộp tiền đặt trước” tại khoản 1 Điều 39 để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Dân sự. Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản), không có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ “nộp tiền đặt trước”.
Dự thảo Luật quy định “Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Tiền đặt trước do tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá, trừ trường hợp quy định tại khoản 1a Điều này”.
“Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm...”.
Quy định nhằm tránh việc bỏ, hủy cọc - tiền lệ xấu trong hoạt động đấu giá các loại tài sản, các hoạt động dân sự khác, nhằm ràng buộc trách nhiệm cũng như xử lý người trúng đấu giá khi bỏ cọc hoặc không thực hiện hợp đồng sau khi trúng đấu giá.
“Tuy nhiên, tôi đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc về tỷ lệ tiền đặt trước như thế nào để vừa phù hợp, vừa đảm bảo sự cân nhắc của các cá nhân mong muốn trong tham gia đấu giá tài sản. Cần cân nhắc tùy thuộc vào loại hàng hóa, giá trị hàng hóa, đặc biệt loại hàng hóa có tính chất phức tạp, nhạy cảm như đấu giá quyền sử dụng đất, làm nhiễu loạn thị trường thông qua việc bỏ cọc sau khi đã đẩy giá lên, tạo ra tín hiệu sai lệch cho thị trường và gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc tăng mức đặt cọc, mức phạt đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất công, thực hiện dự án kinh doanh bất động sản như dự thảo Luật là cần thiết”, ĐB nói.
Muốn bỏ kết quả đấu giá phải chứng minh được nguyên nhân bất khả kháng
Tham gia thảo luận, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH Bình Định) đưa ra vấn đề Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản phải thống nhất, đồng bộ với các luật khác; nhất là với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công liên quan đến quy định về nhóm tài sản công. ĐB Cảnh đề xuất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cần bổ sung quy định quyền sử dụng số xe theo quy định của pháp luật về giao thông để đồng bộ với quy định về quyền sử dụng kho số viễn thông, tần số vô tuyến điện...
ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề xuất cần quy định linh hoạt về bước giá. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Một vấn đề khác ĐB Cảnh quan tâm là quy định về bước giá. Có nhiều loại tài sản khi đấu giá thì bước giá thấp vài trăm lần so với giá đang đấu. Từ đó, ĐB Cảnh đề xuất quy định bước giá cần linh hoạt; bên cạnh các loại bước giá chênh lệch tối thiểu, tối đa, cố định, cần bổ sung bước giá theo tỷ lệ %. Ví như đấu giá số điện thoại với mức khởi điểm 262 nghìn đồng, đấu lên đến 1 triệu đồng thì bước giá tính theo 5% của 1 triệu đồng, khi lên 100 triệu đồng thì bước giá là 5% của 100 triệu đồng.
“Bước giá phải tăng theo giá, chứ như đấu giá số điện thoại sau này có thể giá đấu đã lên tới hàng trăm triệu đồng mà bước giá chỉ 262 nghìn đồng là không phù hợp”, ĐB Cảnh nói.
Xung quanh quy định về bỏ kết quả đấu giá, ĐB Cảnh cho rằng, người trúng đấu giá muốn bỏ kết quả đấu giá phải chứng minh được nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn tiền để thanh toán kết quả trúng đấu giá như lũ lụt mất tài sản, người nhà bị bệnh hiểm nghèo cần tiền chữa bệnh... Nếu không chứng minh được thì cấm họ đấu giá lại tài sản ấy, hoặc cấm tham gia đấu giá trong một khoảng thời gian nhất định.
Ở một khía cạnh khác, người trúng đấu giá bỏ kết quả, không thể tham gia đấu giá lại thì người có mức giá cao liền sau có quyền lựa chọn được nhận kết quả hoặc sẽ tham gia đấu giá lại. Tuy nhiên, người có mức giá cao thứ 2 chỉ được nhận khi chỉ cách người cao nhất một bước giá. Quy định này sẽ tránh được tình trạng giá đấu của người cao thứ 2 quá thấp so với người trả giá cao nhất, người trả giá cao nhất sau đó bỏ kết quả trúng đấu giá và người thứ 2 được trúng thì giá này có thể thấp hơn nhiều so với giá trị thực.
MAI LÂM - NGUYỄN MUỘI