Chủ động phòng chống dịch bệnh mới nổi
Thời gian gần đây, diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Ebola khiến nhiều người lo ngại. Thêm vào đó, cúm A (H5N6) đã xuất hiện trên đàn gia cầm tại các tỉnh phía Bắc. Trước tình hình đó, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bùi Ngọc Lân cho rằng, người dân không nên quá hoang mang, nhưng cần hết sức cảnh giác.
Ông Bùi Ngọc Lân thông tin, bệnh sốt xuất huyết do vi-rut Ebola bùng phát từ tháng 12.2013 ở 4 nước Tây Phi. Đến ngày 11.8 đã ghi nhận 1.975 trường hợp mắc, 1.069 ca tử vong. Ebola là bệnh truyền nhiễm nhóm A, có độc lực mạnh, tỉ lệ tử vong rất cao. Khả năng bệnh xâm nhập vào Việt Nam và Bình Định là hoàn toàn có thể.
● Trước chiều hướng lây lan của bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Ebola, ngành Y tế đã có biện pháp gì để đối phó, thưa ông?
- Hiện nay, nhiều biện pháp khẩn cấp đang được triển khai nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Ebola. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu UBND các tỉnh, các bộ, ngành triển khai đồng loạt các biện pháp ngăn chặn. Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch hành động phòng chống và hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh Ebola.
Ngành Y tế đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm.
- Trong ảnh: Diễn tập phòng chống bệnh cúm ở gia cầm và ở người tại huyện An Lão.
Tại tỉnh ta, kế hoạch hành động phòng chống Ebola đã được xây dựng theo 3 tình huống: chưa có ca bệnh xâm nhập, có ca bệnh xâm nhập nhưng chưa lây lan ra cộng đồng và tình huống bệnh đã lây lan ra cộng đồng. Hiện nay, tại Bình Định chưa ghi nhận ca bệnh, do đó chúng tôi triển khai các biện pháp ở tình huống đầu tiên. Chúng tôi phối hợp với cơ quan chức năng ở Cảng Quy Nhơn triển khai công tác kiểm dịch, thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với thuyền viên của các tàu đi qua vùng dịch nhập cảnh qua Cảng Quy Nhơn, bao gồm tờ khai y tế, kiểm tra thân nhiệt, sàng lọc để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ. Đồng thời hướng dẫn hệ thống giám sát phòng bệnh ở các tuyến tăng cường giám sát tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm ca bệnh, nhất là các trường hợp đi qua vùng dịch về địa phương chưa qua 21 ngày. Đối tượng này có biểu hiện như sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn thì phải khai báo ngay cho cơ quan y tế để cách ly.
Ngày 22.8, Sở Y tế sẽ tổ chức tập huấn về giám sát, xử lý, chẩn đoán, điều trị bệnh Ebola cho các cơ sở y tế tuyến dưới. Bên cạnh đó là triển khai phân tuyến điều trị Ebola theo quy định của Bộ Y tế; rà soát lại hóa chất, thuốc men, đảm bảo triển khai điều trị ngay khi có ca bệnh. Ngoài ra, cũng hướng dẫn y tế cơ sở tăng cường phối hợp với các ban ngành ở địa phương tăng cường tuyên truyền phòng chống bệnh ở cộng đồng.
● Với bệnh cúm A (H5N6), công tác phòng chống được thực hiện như thế nào?
- Bệnh cúm A (H5N6) hiện nay chỉ ghi nhận trên gia cầm, chưa xuất hiện ở người. Đây là một loại bệnh cúm, nên công tác phòng chống được triển khai như phòng chống cúm A (H5N1) mà chúng ta đang thực hiện. Đặc biệt, chúng tôi tăng cường phối hợp với cơ quan thú y để phát hiện sớm dịch trên đàn gia cầm, trên cơ sở đó khống chế để không lây sang người.
● Vậy người dân cần phải làm gì để phòng tránh các dịch bệnh nguy hiểm này?
- Theo Tổ chức Y tế thế giới, thời điểm hiện nay thuộc giai đoạn quay trở lại của nhiều dịch bệnh. Có những dịch bệnh trước đây đã khống chế nhưng có nguy cơ tăng trở lại, như sởi, tả, dịch hạch. Bên cạnh đó là các bệnh mới nổi rất nguy hiểm như cúm A (H5N1), (H7N9), mới nhất là Ebola. Tuy nhiên, người dân không nên hoang mang, mà cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan Y tế. Để phòng bệnh Ebola, phải thường xuyên giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay với xà phòng đúng cách và đúng thời điểm; phải thường xuyên lau chùi nhà cửa, dụng cụ sinh hoạt. Người đi từ vùng có dịch về cần khai báo với cơ quan y tế địa phương để theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng, cách ly, điều trị, xử lý kịp thời để không lây lan ra cộng đồng.
● Xin cảm ơn ông.
MAI LÂM (Thực hiện)