Ban Công tác Mặt trận cần hoạt động trọng tâm, trọng điểm
Ðó là nội dung chính đặt ra tại tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ban Công tác Mặt trận khu dân cư” được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức ngày 8.11.
Thực hiện tốt các phong trào thi đua
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Sĩ Dũng, toàn tỉnh hiện có 1.116 Ban Công tác Mặt trận (CTMT) khu dân cư với 7.839 thành viên. Thời gian qua, các ban CTMT đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp, thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; triển khai 1.511 mô hình tự quản trên nhiều lĩnh vực, có nhiều cách làm hay được nhân rộng.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: C.H
Đồng thời, các ban CTMT còn phối hợp vận động đăng ký thực hiện gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Hằng năm, có từ 95% hộ gia đình trở lên đạt danh hiệu gia đình văn hóa và 94,9% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa. Cùng với đó các ban CTMT còn tổ chức giám sát và động viên nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ban CTMT ở khu dân cư vẫn còn một số hạn chế, như: Công tác tham mưu cho chi ủy chi bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động ở một số nơi chưa chủ động, còn chung chung, thiếu cụ thể. Ban CTMT một số nơi chưa thực sự sát dân, gần dân; chưa nắm bắt, kiến nghị và phối hợp giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Cần nâng cao nhận thức, vai trò
Tại tọa đàm, các đại biểu đã phát biểu nhiều ý kiến mang tính xây dựng, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ban CTMT ở khu dân cư. Bà Lê Thị Thảo, Trưởng Ban CTMT thôn Tân Quang, xã Canh Hiển (huyện Vân Canh) chia sẻ, để vận động nhân dân đoàn kết, giữ vững kỷ cương, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao, cán bộ của ban trước khi đi tuyên truyền cần phải xác định vấn đề cụ thể, rõ ràng. Không chỉ nội dung mà cả cách tuyên truyền cũng phải gần gũi với đời sống, thiết thực, nói đến đâu dân hiểu đến đó, như vậy họ nắm chắc, thấy khả thi và làm được.
“Đặc biệt, Ban CTMT cần phải đề cao vai trò của các thành viên, nhất là người có uy tín, già làng - xem họ chính là “điểm tựa” trong công tác tuyên truyền, vận động người dân và là “cầu nối” quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Từ đó vận động người dân chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, bà Thảo nói.
Còn bà Huỳnh Thị Tho, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) cho rằng, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban CTMT, trước hết, cần có sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, sự phối hợp của ban nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Từ đó, tạo điều kiện để ban CTMT làm tốt hơn vai trò trung tâm, cầu nối vững chắc để đưa ý Đảng vào lòng dân, đưa các hoạt động của chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đi sâu vào đời sống cộng đồng.
“Ban CTMT cần chủ động gần dân, sát dân, nắm chắc tình hình nhân dân ở khu dân cư, kịp thời phát hiện những tâm tư, bức xúc trong nhân dân và đề xuất, tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan có phương hướng giải quyết, hạn chế thấp nhất phát sinh những điểm nóng ở cơ sở. Đồng thời, động viên nhân dân phát huy dân chủ, tham gia giám sát, góp ý cán bộ, đảng viên ở khu dân cư, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh”.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh NGUYỄN THỊ PHONG VŨ
Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị các ban CTMT cần tăng cường công tác phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của mình. Đây là tổ chức phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên trong Mặt trận, trực tiếp tập hợp, đoàn kết, vận động mọi người dân thực hiện các chính sách, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Cùng với đó, ban CTMT cần củng cố, kiện toàn tổ chức đảm bảo thành phần theo đúng quy định; xây dựng quy chế hoạt động rõ ràng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. “Đặc biệt, cần tập trung tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban CTMT để triển khai các phong trào thi đua linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tiễn địa phương, thu hút được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia các phong trào, cuộc vận động”, bà Vũ nhấn mạnh.
CHƯƠNG HIẾU