Nhiều bất cập trong quản lý người bệnh tâm thần tại cộng đồng
Thời gian qua, số vụ việc, vụ án do người mắc bệnh tâm thần gây ra (với các hành vi như cố ý gây thương tích, gây rối an ninh trật tự, đặc biệt là giết người) diễn biến phức tạp. Trong đó, các vụ giết người gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với tính chất dã man đã gây hoang mang, lo lắng cho người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự.
Hồ Thanh Cường, 34 tuổi, ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (TX An Nhơn) là người khuyết tật, đang điều trị bệnh tâm thần ngoại trú tại nhà. Ngày 30.10, trong lúc nói chuyện với anh ruột là Hồ Thanh N. (43 tuổi), Cường dùng rựa chém chết anh N. Tiếp đó, Cường chém cha ruột mình là ông Hồ Hữu C. (80 tuổi), khiến ông C. chết tại chỗ. Sau khi chém chết anh và cha, Cường tiếp tục đi tìm mẹ là bà Trương Thị D. (73 tuổi), chém bà bị thương. Rất may, nhiều người hô hoán, CA xã và lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để ngăn chặn, khống chế Cường.
Theo người nhà, lâu nay Cường được gia đình đưa đi điều trị bệnh tâm thần, thấy bệnh thuyên giảm nên đưa về nhà điều trị ngoại trú. Mấy ngày gần đây, gia đình phát hiện Cường lên cơn tâm thần, khuyên đi điều trị tiếp nhưng Cường không nghe, dẫn đến vụ việc đau lòng trên.
Trước đó, ngày 30.12.2021, tài xế Nguyễn Văn Thâu, 36 tuổi, ở xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) có hồ sơ bệnh án tâm thần, lái xe đầu kéo kéo theo rơ moóc chạy trên tỉnh lộ 636, khi đến ngã tư thôn An Thái (xã Nhơn Phúc) bất ngờ tông vào nhiều xe máy chạy trên đường khiến 2 người chết và 17 người bị thương.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp có dấu hiệu bệnh tâm thần không được quản lý, lang thang ngoài cộng đồng. Như trường hợp ông N.N.K, 60 tuổi, ở khu phố Liêm Trực, phường Bình Định (TX An Nhơn) bị tâm thần hàng chục năm nay, bỏ nhà đi lang thang, thường ăn cắp vặt, dùng gậy đe dọa người khác… khiến nhiều người lo lắng.
Theo người dân địa phương, lâu nay ông K. sống cùng mẹ già. Tuy nhiên, do gia cảnh quá khó khăn, mẹ của ông chuyển sang ở chung với con gái, để ông K. sống một mình. Sau vụ việc nghiêm trọng xảy ra ngày 30.10, phường Bình Định cùng gia đình đưa ông K. vào Bệnh viện Tâm thần tỉnh để điều trị, người dân nơi đây mới bớt lo lắng.
Bệnh viện Tâm thần tỉnh, nơi khám và điều trị bệnh tâm thần. Ảnh: V.L
Người đã được cơ quan có chuyên môn xác định mắc bệnh tâm thần, ngay cả trong trường hợp chưa có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, vẫn cần có quy định bắt buộc chữa bệnh và phải được quản lý bằng hình thức phù hợp. Tuy nhiên theo luật sư Nguyễn Thế Vũ (Văn phòng Luật sư Nam Luật), pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với nhóm đối tượng này.
Hiện nay, phần lớn người bệnh tâm thần được điều trị tại cộng đồng, nhưng không phải người bệnh nào cũng được gia đình quan tâm, chăm sóc. Nhiều người bệnh tâm thần không được khám và chữa trị tích cực, khiến bệnh nặng hơn, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hệ lụy đau lòng. Đây cũng là nỗi lo lớn của toàn xã hội.
Bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Quy Nhơn, cho hay, nhiều trường hợp người bệnh tâm thần (điều trị ngoại trú) lang thang ngoài đường, người nhà không muốn gửi vào Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn vì hằng tháng phải đóng tiền theo diện xã hội hóa (chỉ những bệnh nhân có sổ hộ nghèo và cận nghèo mới được miễn phí). Đây là vấn đề khó khăn trong công tác quản lý bệnh nhân tâm thần tại địa phương.
Cho đến nay các trạm y tế không được cấp thuốc ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần do liên quan đến chứng chỉ hành nghề (trạm không có bác sĩ chuyên khoa về tâm thần). Vì vậy, bệnh nhân phải đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh khám, điều trị mới được cấp thuốc theo diện điều trị ngoại trú, gây khó khăn cho người bệnh.
Nói về vướng mắc này, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho hay: “Đến nay, Sở đã có 2 văn bản kiến nghị Bộ Y tế về vấn đề này. Hy vọng Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền sẽ đưa ra hướng giải quyết để trạm y tế xã có thể cấp thuốc điều trị theo đơn ngoại trú của bệnh viện chuyên khoa tâm thần đối với các bệnh nhân đang điều trị bệnh tại cộng đồng. Từ đó, giúp cho bệnh nhân khi điều trị tại nhà nhận được thuốc kịp thời, tránh tình trạng thiếu thuốc khi họ chưa quay lại bệnh viện kịp thời”.
Liên quan đến công tác quản lý người tâm thần trên địa bàn tỉnh, tại Hội nghị đánh giá tình hình KT-XH của tỉnh tháng 10, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 11.2023 do UBND tỉnh tổ chức ngày 2.11, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu Sở LĐ-TB&XH rà soát tất cả những trường hợp mắc bệnh tâm thần để có biện pháp quản lý, có giải pháp căn cơ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. “Các trường hợp có vấn đề về sức khỏe tâm thần phải kiên quyết đưa vào khu quản lý tập trung để chăm sóc. Tỉnh sẽ ưu tiên việc này”, Chủ tịch UBND tỉnh nói.
VĂN LƯU