GIẢI THÍCH ÁP DỤNG LUẬT TRONG XÉT XỬ:
Tăng tính minh bạch trong các phán quyết tư pháp của Tòa án nhân nhân
Đó là ý kiến của Trưởng Đoàn ĐBQH Bình Định Lê Kim Toàn tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vào chiều 9.11. Hoạt động thuộc khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Trưởng Đoàn ĐBQH Bình Định Lê Kim Toàn tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn cơ bản nhất trí với dự thảo Luật tổ chức TAND (sửa đổi).
ĐB tham gia 4 vấn đề cụ thể.
Thứ nhất, ĐB thống nhất bổ sung nhiệm vụ thực hiện “quyền tư pháp” của TAND nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về TAND và thống nhất với các nội dung quy định cụ thể về “quyền tư pháp” của TAND được quy định tại khoản 1, Điều 3 của dự thảo Luật. Đồng thời, thống nhất với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quyền tư pháp và các chức năng, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động tư pháp của TAND để bổ sung, cụ thể hóa việc thực hiện “quyền tư pháp” của TAND theo quy định của Hiến pháp, tránh để sót, lọt các nội dung cụ thể trong thực hiện quyền tư pháp.
Thứ hai, thống nhất bổ sung chức năng, nhiệm vụ “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” của TAND quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật. Theo ĐB, đây là việc hết sức cần thiết.
Quy định này tăng tính công khai, minh bạch trong các phán quyết tư pháp của TAND, tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận thông tin đối với các phán quyết tư pháp của TAND. Qua đó, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân thông qua hoạt động xét xử và các phán quyết tư pháp của TAND các cấp.
“Tuy nhiên, tôi đề nghị cần xác định việc giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử chỉ thực hiện đối với các phán quyết tư pháp đã tuyên của TAND để tránh trùng lắp với nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật trong xét xử của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và chức năng giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc giải thích này của TAND không chứa đựng nội dung mang tính quy phạm pháp luật”, ĐB Toàn nói.
Thứ ba, ĐB thống nhất không quy định TAND có nhiệm vụ trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ và không khởi tố vụ án tại tòa để tránh trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra trong các vụ án hình sự và của bên nguyên đơn trong các vụ án hành chính, dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình… với chức năng truy tố của cơ quan công tố và cũng để đảm bảo tính khách quan trong quá trình xét xử của TAND.
Đối với các vụ án hình sự, cơ quan điều tra có trách nhiệm điều tra, thu thập chứng cứ, đưa ra các thông tin, tài liệu và chứng cứ làm căn cứ để buộc tội. Viện KSND là cơ quan công tố, căn cứ vào các chứng cứ đã được thu thập để phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Căn cứ vào đó, TAND sẽ đưa vụ án ra xét xử. Trong quá trình xét xử sẽ có tranh luận giữa luật sư và bị cáo với bên buộc tội. Căn cứ theo các tư liệu, chứng cứ, căn cứ theo quy định pháp luật thì tòa sẽ tuyên có tội hay không có tội và có tội ở mức nào.
Đối với các vụ án hành chính, lao động, dân sự, hôn nhân và gia đình và các tranh chấp tư pháp khác, bên nguyên đơn khởi kiện vụ án phải có nghĩa vụ cung cấp tư liệu đối với nội dung mà mình khởi kiện. Còn với các đối tượng yếu thế không có điều kiện cung cấp tư liệu, chứng cứ thì TAND hỗ trợ bằng phán quyết tư pháp của mình, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải cung cấp các tư liệu; chứ không có nghĩa TAND phải đích thân đi sưu tầm, nghiên cứu, thu thập tư liệu, chứng cứ theo khởi kiện của nguyên đơn hoặc theo buộc tội của một cơ quan tư pháp khác.
Còn việc khởi tố tại tòa, nếu TAND khởi tố vụ án tại tòa trong quá trình xét xử, rồi cũng chính tòa lại xét xử vụ án mà mình đã đứng ra khởi tố thì không đảm bảo tính khách quan. Trong quá trình xét xử, nếu có chứng cứ, dấu hiệu phạm tội thì TAND sẽ đưa ra phán quyết tư pháp, yêu cầu các cơ quan liên quan điều tra và khởi tố theo quy định của pháp luật.
Thứ tư là về tổ chức của TAND. Qua nghiên cứu quy định Luật Tổ chức TAND hiện hành và các quy định tại khoản 1, Điều 4 của dự thảo Luật, ĐB Toàn cho biết còn nhiều băn khoăn.
Vì giữa TAND các cấp có hai mối quan hệ.
Thứ nhất, theo thẩm quyền xét xử là TAND hai cấp: sơ thẩm và phúc thẩm. Tùy theo tính chất, mức độ, lĩnh vực vi phạm khác nhau mà thẩm quyền xét xử của tòa án khác nhau. Có những vụ án theo quy định của pháp luật thì TAND cấp huyện xét xử sơ thẩm, TAND cấp tỉnh xét xử phúc thẩm. Có những vụ án theo quy định của pháp luật thì TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm, TAND cấp cao xét xử phúc thẩm.
Bên cạnh đó, TAND các cấp còn có quan hệ theo cấp hành chính: TAND cấp trên và TAND cấp dưới. Hệ thống TAND được TAND tối cao quản lý theo ngành dọc. Mối quan hệ quản lý hành chính được thể hiện qua quản lý biên chế, quản lý cán bộ, công chức của ngành Tòa án, trong đó có các chức danh tư pháp như thẩm phán, thư ký tòa…; rồi trả lương, cấp kinh phí hoạt động, xem xét đề nghị bổ nhiệm chức danh tư pháp, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và nhiều hoạt động khác trong mối quan hệ hành chính.
Vậy bây giờ tổ chức hệ thống TAND như thế nào để bao hàm cả hai mối quan hệ đó?
Theo đề nghị của cơ quan soạn thảo thì sửa đổi, tổ chức lại theo thẩm quyền xét xử (bao gồm TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm, TAND chuyên biệt). Vậy theo thẩm quyền xét xử thì còn mối quan hệ hành chính không?
“Như tôi đã phân tích, bên cạnh mối quan hệ theo thẩm quyền xét xử thì giữa các TAND còn mối quan hệ hành chính. Mối quan hệ giữa TAND phúc thẩm và TAND sơ thẩm phải vừa thể hiện mối quan hệ theo thẩm quyền xét xử, phải vừa thể hiện mối quan hệ hành chính. Mặt khác, khi đã xác định tên gọi là TAND phúc thẩm, vậy còn chức năng, nhiệm vụ, còn thẩm quyền xét xử sơ thẩm nữa không? Nếu còn, đã xác định là TAND phúc thẩm nhưng vẫn xét xử sơ thẩm thì không chặt chẽ. Vấn đề này cần phải tiếp tục nghiên cứu cụ thể hơn”, ĐB Toàn nêu quan điểm.
NGUYỄN MUỘI