Quốc hội chốt thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2024
Sáng 10.11, với 94,33% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Theo dự toán này, thu ngân sách năm 2024 hơn 1,7 triệu tỉ đồng, gồm cả thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 là 19.040 tỉ đồng.
Tổng chi ngân sách là 2,1 triệu tỉ đồng. Bội chi ngân sách là 399.400 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 690.553 tỉ đồng.
Đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết ngân sách nhà nước - Ảnh: BÁ SƠN
Băn khoăn dự toán một số khoản thu thấp
Nghị quyết được thông qua cũng cho phép sử dụng 145,9 tỉ đồng nguồn thu hồi kinh phí đã tạm cấp trong năm 2022 cho một số địa phương để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chuyển nguồn để bổ sung cho các địa phương còn thiếu.
Trước khi đại biểu bấm nút, một số ý kiến đề nghị Chính phủ xây dựng dự toán thu chi ngân sách cần sát thực tế.
Tuy nhiên báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách trình bày nêu rõ: dự toán được xây dựng khá tích cực trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5%, lạm phát 4-4,5% và các chính sách miễn, giảm thuế tương đương năm 2023. Vì vậy, cơ quan thẩm tra xin giữ như phương án Chính phủ trình.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc chỉ tiêu dự kiến sản lượng dầu thô và giá dầu, song Ủy ban Thường vụ cho rằng giá dầu có biến động khó lường, phụ thuộc vào tình hình chính trị thế giới.
Tương tự với khoản thu cân đối xuất nhập khẩu được đề nghị có thể tăng cao hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng do nước ta chịu tác động từ tình hình thế giới, tình hình trong nước vẫn khó khăn, nên việc xây dựng dự toán cao sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách trung ương trong trường hợp không đạt dự toán.
Một số ý kiến lo ngại các khoản thu từ đất được xây dựng tăng cao, cơ quan thẩm tra cho rằng trong năm qua Chính phủ đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ để khôi phục và thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng.
Cơ cấu lại khoản thu mang tính bền vững
Vì vậy Chính phủ kỳ vọng những tác động tích cực từ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng như việc điều hành lãi suất giữ ở mức hợp lý, đầu tư công được đẩy mạnh sẽ tạo căn cứ, cơ sở khả thi cho việc xây dựng dự toán tiền sử dụng đất năm 2024.
Với nghị quyết được thông qua, Quốc hội giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả. Đặc biệt có giải pháp khắc phục đà suy giảm các chỉ tiêu về tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP và tỉ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước.
Sớm trình Quốc hội sửa đổi các luật về thuế để quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững. Chống thất thu, chuyển giá trốn thuế, gian lận thương mại, đặc biệt trong các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số.
(Theo NGỌC AN/TTO)