Cần có cơ chế khuyến khích ứng dụng vật liệu, thiết bị mới nâng cao hiệu quả công trình
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, sáng 10.11, các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật Đường bộ, dự án Luật Trật tự, ATGT đường bộ, dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập DN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Trưởng Đoàn ĐBQH Bình Định Lê Kim Toàn chủ trì phiên thảo luận.
Trưởng Đoàn ĐBQH Bình Định Lê Kim Toàn chủ trì phiên thảo luận tổ sáng 10.11. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH Bình Định) đã tham gia góp ý về dự án Luật Đường bộ, dự án Luật Trật tự, ATGT đường bộ.
Theo ĐB Cảnh, giao thông đường bộ rất quan trọng bởi liên quan đến sự phát triển kinh tế, giao thông đi trước mở đường, đồng thời còn liên quan tới xã hội khi có nhiều trường hợp tử vong, bị thương do TNGT đường bộ. Thực hiện tốt văn hóa giao thông cũng góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại hơn. Giao thông liên quan đến con người, tính mạng công dân nên cần luật hóa các quy định dưới luật liên quan tới an toàn tính mạng của con người.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh đã tham gia góp ý về dự án Luật Đường bộ, dự án Luật Trật tự, ATGT đường bộ. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Cảnh cho rằng để giải “bài toán” về ATGT cần có những công cụ, phương pháp hiệu quả và cũng cần phân biệt dạng “bài toán” để có giải pháp phù hợp. Qua nghiên cứu nhiều các công cụ, phương pháp về quản lý giao thông ở nước ngoài có thể áp dụng về Việt Nam, ĐB Cảnh mong cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu các công cụ này, cố gắng đưa vào luật để các văn bản dưới luật có căn cứ cụ thể để xây dựng giải pháp.
Thứ nhất là phân biệt Ùn và Tắc: Ùn giao thông là tình trạng lưu thông rất chậm do hệ thống giao thông bị quá tải; có thể xác định được tốc độ lưu thông trung bình của dòng xe. Tắc giao thông (Tắc nghẽn) là tình trạng lưu thông rất chậm hoặc không thể lưu thông do lỗi vi phạm giao thông, xung đột giao thông, TNGT hoặc các nguyên nhân bất ngờ; không thể xác định được tốc độ lưu thông của dòng xe.
Thứ hai là nguyên tắc là nhập 2 làn xe: 1 xe đường chính nhường 1 xe làn khác đi vào giữa xe mình và xe phía trước đã cùng làn, nhập 3 làn xe thì 1 xe nhường 2 xe đi vào giữa xe mình và xe phía trước đã cùng làn, xe đoàn được đi liên tiếp nhau (xe vàng).
Thứ ba là về biển báo giao thông, nước ngoài sử dụng biển cảnh báo hình thoi màu vàng, nước ta sử dụng hình tam giác có viền đỏ. Hình tam giác viền đỏ thì diện tích nhỏ hơn hình thoi nên thể hiện hình ảnh cảnh báo sẽ không rõ bằng hình thoi. ĐB Cảnh đề nghị ban soạn thảo quan tâm, có thể áp dụng hình thoi với các biển báo mới và từng bước thay thế biển cảnh báo hình tam giác khi tới đợt thay mới.
Thứ tư là khuyến khích ứng dụng KH&CN vật liệu, thiết bị mới nhằm nâng cao hiệu quả công trình, ĐB đề nghị phải có chính sách về thuế, hải quan… giúp khuyến khích nhập khẩu vật liệu, thiết bị. Việc sử dụng vật liệu mới, thiết bị, phương tiện, công nghệ hiện đại trong công trình giao thông giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian thi công, bảo dưỡng, chăm sóc, nâng cao hiệu suất sử dụng hạ tầng giao thông, đảm bảo ATGT. Ví dụ, hiện có thể sử dụng vật liệu là các hạt nhựa để nhanh chóng vá các ổ gà, các vết nứt, tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh việc từ một ổ nhỏ lan rộng ra, làm hư hỏng công trình, gây mất ATGT.
Về xe đưa đón học sinh, ĐB đồng ý với quy định xe đưa đón của trường sẽ sơn màu vàng. Nhưng, xe dịch vụ thì không nhất thiết phải sơn mà có thể dán nửa thân xe màu vàng. Những xe được hưởng quy định đi lại, đậu đỗ như xe đưa đón học sinh thì phải có hợp đồng với nhà trường.
Cần có quy định các xe phải dừng lại, chậm lại khi xe đưa đón học sinh đang dừng, đưa đón. Hiện, hạ tầng giao thông trong đô thị rất khó khăn, tuy nhiên, có thể quy định bãi đậu xe đón học sinh (nếu có diện tích) hoặc giờ đưa đón học sinh (ví dụ, trước 30 phút, sau 30 phút giờ đưa đón học sinh, chỉ các xe đưa đón được ưu tiên đậu đỗ).
Liên quan tới đèn xanh, đèn đỏ, ĐB đề nghị sửa lại là: “tín hiệu đèn xanh là được đi, trường hợp mà phía trước ùn tắc không được tiến vào giao lộ, nếu không thể thoát ra khỏi giao lộ, gây cản trở giao thông khi đèn đổi sang pha khác thì sẽ bị phạt”.
Quan tâm đến đèn đếm ngược, ĐB Cảnh cho biết: Một số nước khi đưa đèn đếm ngược vào sử dụng một thời gian nhận thấy là tai nạn giao thông tăng lên rất nhiều, ngoại trừ đèn đếm ngược dành cho người đi bộ. ĐB đề nghị vẫn dùng đèn đếm ngược, tuy nhiên đến 10 giây cuối thì tắt đếm ngược để người tham gia giao thông không biết bao giờ đến đèn xanh mà chạy vội, giúp giảm nguy cơ TNGT…
ĐB cũng đề nghị áp dụng phương pháp rẽ trái 2 bước như Đài Loan, Nhật, Úc đã làm để tránh xung đột giao thông tại các ngã tư đông đúc như sau: Xe máy cần rẽ trái thì khi đèn xanh sẽ chạy sát bên phải, đậu tại làn đường giao cắt (đang đèn đỏ), chờ đến đèn xanh thì chạy thẳng. Thứ tự là ô của xe máy dự định rẽ trái, đến đường đi bộ, đến nơi dừng của các phương tiện đang trên đường giao cắt.
ĐB cũng đề nghị cần luật hóa quy định “điểm đen” giao thông, là rõ các tai nạn do do hạ tầng, tổ chức, phương tiện, kỹ năng lái hay ý thức lái xe để phục vụ nghiên cứu, đánh giá, khắc phục nhằm đề ra các giải pháp phòng ngừa TNGT.
NGUYỄN MUỘI
Nhấn mạnh quy định về văn hóa, lịch sử của thủ đô
Chiều 10.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.
Tham gia góp ý về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ĐB Nguyễn Văn Cảnh nhận thấy tại khoản 2 Điều 2 có ghi “Thủ đô là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, đào tạo, KH&CN”, không có nội dung “thể thao”. Tuy nhiên, Điều 23 lại đưa ra chính sách về văn hóa, thể thao. Như vậy, giữa vị trí, vai trò của Điều 2 với điều khoản chính sách này không phù hợp.
ĐB đề nghị Điều 23 sẽ quy định về văn hóa, lịch sử. Bởi, nói về thủ đô thì chú trọng nhất vẫn là văn hóa, lịch sử. Còn vấn đề thể thao, ĐB đề nghị đưa vào một cái điều, khoản khác.
Khoản 1 Điều 23 có ghi “xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.
Theo ĐB Cảnh, văn hóa người Hà Nội từ xưa đến nay đã là như vậy. Do đó, dùng từ “xây dựng” không phù hợp; ĐB đề nghị thay bằng từ “giữ gìn, phát huy”.
Đồng thời, cụm “hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh” có phần dài, cũng trùng với các vùng miền khác. ĐB cũng đề nghị thêm chữ dân trước chữ Hà Nội thì sẽ bao quát hơn và ghi lại là “giữ gìn, phát huy văn hóa người dân Hà Nội thanh lịch, văn minh”.