Chinh phục ước mơ du học
Du học được xem như cánh cửa hướng đến tương lai đầy hứa hẹn. Ngày càng nhiều học sinh chủ động tìm kiếm thông tin, nắm bắt cơ hội để “săn” học bổng nhằm chinh phục ước mơ được học tập, trải nghiệm ở những môi trường giáo dục hiện đại, tiên tiến.
Chủ động tìm kiếm cơ hội
Cách đây khoảng 2 tháng, Lê Trịnh Ánh Ngọc (SN 2006, ở phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) trở thành du học sinh ngành Cử nhân Thương mại tại ĐH Sydney (Úc) theo chương trình dự bị đại học dành cho các học sinh chưa tốt nghiệp THPT. Thay vì mất 80.000 AUD (đô la Úc) cho 4 năm học, em chỉ phải trả 40.000 AUD.
Ngọc cho hay, để “săn” thành công học bổng, em đã trau dồi tiếng Anh từ rất lâu; đồng thời tìm thông tin trên website trường, chọn loại học bổng phù hợp. Em chuẩn bị bảng điểm năm lớp 10, 11; chứng chỉ IELTS; tham gia phỏng vấn trực tiếp với đại diện trường và viết bài luận. Trong đó, nội dung bài luận là phần cần được đầu tư đặc biệt bởi thể hiện rõ nhất năng lực, phẩm chất của ứng viên.
Ngọc chụp hình lưu niệm với mẹ trước khuôn viên Trường ĐH Sydney. Ảnh: NVCC
Ngọc chia sẻ: “Theo em, để đơn xin học bổng được duyệt, các ứng viên phải chứng minh sự vượt trội, ưu thế của bản thân trước những đối thủ cạnh tranh. Cùng với đó, phải tìm hiểu nhà trường cần gì, muốn gì để nhấn mạnh vào nội dung bài luận, tạo dấu ấn riêng”.
Các bạn trẻ còn tìm kiếm cơ hội tại các diễn đàn, hội nhóm của du học sinh. Tận dụng nguồn thông tin dồi dào trên mạng xã hội, Huỳnh Thái Hiếu (SN 2000, ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) đã “săn” thành công học bổng toàn phần bậc thạc sĩ của Quỹ Học bổng Liên minh Châu Âu Erasmus Mundus (tổng trị giá 49.000 Euro) trong 2 năm, ngành Công nghệ phần mềm, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Công nghệ Lappeenranta (Phần Lan). Hiếu là 1 trong 21 sinh viên trên toàn thế giới đạt được học bổng này vào năm 2023.
Để đạt học bổng danh tiếng, Hiếu liên tục tìm kiếm từ khóa trên các hội nhóm, chăm chỉ đọc bài viết của những du học sinh. Nhờ đó, bạn đã biết thông tin về Quỹ học bổng, vào trang chủ, nghiên cứu sâu hơn để tìm ra chương trình phù hợp.
Hiếu (trái) chăm chú trao đổi bài học với bạn cùng lớp ở Phần Lan. Ảnh: NVCC
“Tôi lên kế hoạch từ năm nhất đại học, cố gắng xây dựng bảng điểm thật tốt và đủ sức cạnh tranh. Ngoài ra, tôi còn trau dồi các kỹ năng mềm như giao tiếp, sắp xếp thời gian khoa học, rèn luyện tính kiên trì. Tôi nghĩ, yếu tố cơ bản để có cơ hội đạt học bổng là chứng minh được năng lực, sự cố gắng trong thời gian dài với đơn vị trao học bổng”, Hiếu nói.
Thích nghi với môi trường mới
Sinh sống, học tập tại một đất nước xa lạ là cơ hội giúp người trẻ rèn luyện kỹ năng thích nghi với môi trường mới.
Quyết định du học buộc một học sinh cấp ba như Ngọc phải làm quen với cách học ở bậc đại học. Em đã dành phần lớn thời gian lên website trường để nắm bắt các môn học, tìm hiểu trước chủ đề từng môn và tăng thời lượng tự đọc, nghiên cứu bài vở ở trường lẫn ở nhà.
Tuy vậy, khó khăn lớn nhất với Ngọc là phải thích nghi với lối sinh hoạt mới. Ngọc tâm sự: “Lúc mới sang, em không biết cách sử dụng phương tiện công cộng, trong khi ở đây, mọi người thường di chuyển bằng xe buýt và tàu cao tốc. Sau đó, em được bạn học hướng dẫn cách đón xe tại trạm, vì chưa quen nên đã đi lạc mấy lần. Đó là chưa kể sự khác biệt về khí hậu cũng ít nhiều thử thách du học sinh như em”.
Một số du học sinh khác lại chia sẻ, rào cản về ngôn ngữ luôn là vấn đề hàng đầu khi sinh hoạt, học tập tại đất nước khác. Tuy nhiên, không vì thế mà các bạn rụt rè, khép kín với thầy cô, bạn bè - người sẽ đồng hành với mình trong khoảng thời gian dài.
Hào hứng chia sẻ tấm ảnh vui nhộn với cậu bạn người Serbia sống cùng nhà, Hiếu “bật mí”, ở khía cạnh tích cực, du học đã giúp người trẻ có cơ hội tìm hiểu văn hóa các nước bạn và giới thiệu nét đặc trưng của đất nước Việt Nam.
“Dù chỉ mới ở Phần Lan gần 3 tháng, nhưng tôi và bạn cùng lớp, cùng nhà trở nên thân thiết. Chúng tôi chia sẻ, thưởng thức những món “đặc sản” quê hương và hứa rằng học xong sẽ du lịch, thăm thú đất nước của nhau”, Hiếu cho hay.
DƯƠNG LINH