Lũy đá cổ Phú Hà: Bí ẩn bắt đầu hé lộ
Trên dãy núi Bích Kê đoạn chạy qua thôn Phú Hà, xã Mỹ Ðức (huyện Phù Mỹ) có một lũy đá cổ trải dài, uốn lượn qua nhiều đoạn khác nhau với kiến trúc độc đáo. Ðiều đặc biệt, qua các thư tịch cổ cũng như truy soát nhiều nguồn tư liệu lịch sử còn lưu giữ đến nay, các nhà khoa học chưa tìm thấy tài liệu thành văn nào nhắc đến lũy đá này.
Một phát hiện quan trọng
Từ thông tin ban đầu do người dân địa phương cung cấp về dấu tích của nhiều đoạn lũy đá cổ ẩn mình dưới những tán rừng phòng hộ trên núi Bích Kê - đoạn chạy qua thôn Phú Hà, cuối tháng 4.2023, UBND xã Mỹ Đức đã có văn bản gửi Bảo tàng tỉnh đề nghị phối hợp khảo sát hiện trạng lũy đá cổ Phú Hà.
Đầu tháng 6.2023, Bảo tàng tỉnh phối hợp với các nhà khảo cổ, chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam, cùng chính quyền địa phương và những người dân thông thạo địa hình tiến hành khảo sát, phát quang bụi rậm để nghiên cứu về giá trị lịch sử, văn hóa của lũy đá này.
Bước đầu các nhà khoa học xác định lũy đá cổ Phú Hà có tổng diện tích gần 20.000 m2, chạy theo hướng Đông - Tây, nối dài từ khu vực suối Cây Trâm đến gần bờ hồ Phú Hà. Lũy đá được xây dựng trên một gò đất thấp, chia thành nhiều ô, mỗi ô được ngăn cách bằng tường đá. Điểm nổi bật là hệ thống lũy đá này được chia thành hai khu - cách nhau bởi một hào nước, khu phía Bắc quy mô xây dựng lớn hơn khu phía Nam.
Thông tin về kỹ thuật xây dựng của lũy đá cổ Phú Hà, ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Chỉ mới một lần khảo sát sơ bộ để nghiên cứu, dù chưa tác động gì nhiều nhưng chúng tôi đã kịp ghi nhận sự xuất lộ một phần quy mô kiến trúc lũy đá ở khu vực phía Bắc. Vật liệu xây dựng lũy đá chủ yếu là đá cuội được khai thác tại chỗ, bên trong phần lõi tường đá là đất, hai mặt tường được xếp bằng những viên đá có kích thước lớn theo kiểu so le và không có chất kết dính; bề mặt tường lũy được rải một lớp đá cuội nhỏ. Hiện trạng còn lại của lũy đá cho thấy bề mặt có kết cấu vững chắc, trải qua thời gian dài nhưng rất ít bị sạt lở, hư hại”.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu lũy đá cổ Phú Hà với sự hỗ trợ của người dân địa phương. Ảnh: BTBĐ
Thêm một loại hình di tích mới lạ, thú vị
Xét về mặt kiến trúc, lũy đá cổ Phú Hà xây dựng chia thành từng ô với nhiều kích thước khác nhau, mặc dù có quy mô lớn nhưng những bức tường lũy có chiều cao hạn chế (vị trí cao nhất khoảng 1,4 m). Tại khu vực lũy đá nằm dưới chân núi Bích Kê có hệ thống sông, suối và cách biển không xa, với hệ động thực vật rừng phong phú đa dạng; phía Nam lũy đá còn có hào nước nối với những con suối trong rừng chảy ra ngoài.
Theo lời kể của người cao niên kỷ ở địa phương, xưa kia có một con suối nối từ khu vực lũy đá cổ Phú Hà ra đến sông Hà Ra, người dân gọi là suối Hà Ra. Con suối này rất rộng và sâu, đủ thành luồng để ghe thuyền có thể ra vào từ sông Hà Ra đến tận khu vực lũy đá.
Kết hợp kết quả khảo sát thực địa ban đầu với những cứ liệu do người dân cung cấp, các chuyên gia khảo cổ xác định nhiều khả năng lũy đá cổ Phú Hà không mang tính chất là một công trình quân sự mà là một trạm thu mua lâm thổ sản - niên đại xây dựng khoảng đầu thế kỷ XIX. Những ô đá với nhiều kích thước khác nhau trong khu vực lũy đá cổ Phú Hà được ngăn cách bởi các bức tường đá có thể là những kho chứa hàng. Việc vận chuyển hàng hóa, lâm thổ sản từ khu vực này đi ra bên ngoài bằng con luồng thông qua suối dẫn ra sông Hà Ra. Từ đó, hàng hóa được vận chuyển đi khắp nơi bằng đường bộ hoặc đường biển.
Ông Bùi Tĩnh cho biết thêm: Các di tích về lũy đá ở Bình Định hiện khá phong phú, được khảo sát nghiên cứu bài bản, có hệ thống. Tuy nhiên đối chiếu với tất cả các thư tịch cổ, tài liệu hiện có và nhiều nguồn tham chiếu khác, chúng tôi chưa tìm thấy tư liệu thành văn nào đề cập đến kiến trúc lũy đá cổ Phú Hà. Qua đợt điền dã, các chuyên gia cũng mới chỉ đưa ra những nhận định sơ bộ ban đầu. Sang năm 2024, chúng tôi sẽ phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục khảo sát quy mô lớn tại khu vực hướng Tây của lũy đá, nhằm làm sáng tỏ những giá trị lịch sử, văn hóa lũy đá cổ Phú Hà. Sau đó, Bảo tàng tỉnh sẽ có báo cáo khoa học về lũy đá này để làm cơ sở bổ sung một loại hình di tích với nhiều điều mới lạ, thú vị ở Bình Định.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN