Xem - Nghe - Đọc
*Người vợ cuối cùng là một bộ phim cổ trang do Việt Nam sản xuất. Dưới bàn tay của đạo diễn Victor Vũ, có thể nói Người vợ cuối cùng là một bộ phim chỉn chu và đẹp. Lấy bối cảnh thế kỷ XIX ở làng quê Bắc Bộ, phim mở ra với câu chuyện Linh, cô gái con nhà nghèo bất ngờ trở thành vợ ba của quan tri huyện. Linh được cưới về không phải để làm dâu, sống trong nhung lụa giàu sang. Trong phòng cô treo một cái thòng lọng, không phải để treo cổ, mà là để… treo chân sau mỗi lần ân ái phòng the, để cô có thể giữ thật lâu những “hạt vàng hạt ngọc” từ quan và sớm sinh quý tử. Bi kịch bắt đầu từ đó với tiết tấu phim chậm rãi nhiều khi đến ngạt thở…
* Forever in Love là tác phẩm giúp Kenny G giành giải Grammy năm 1994, đến nay ông là nghệ sĩ nhạc khí duy nhất giành được giải thưởng này. Nhân chương trình Kenny G Live in Vietnam sẽ diễn ra ở Hà Nội vào ngày 14.11, hãy cùng thưởng thức tác phẩm này. Tại Kenny G Live in Vietnam, Kenny G sẽ biểu diễn cả 3 dòng kèn ông từng chơi và sẽ chia tay một cây saxophone từng gắn bó với mình nhiều năm để trao cho dự án âm nhạc “Good Morning Vietnam” do Báo Nhân Dân và IB Group Việt Nam khởi xướng và tổ chức.
Huyền thoại Kenny G vừa tự thực hiện một video ngắn gửi từ Mỹ về cho Ban tổ chức chương trình Kenny G Live in Vietnam. Không chỉ chia sẻ cảm xúc mà nghệ sĩ còn thổi một đoạn nhạc trên cây kèn saxophone quen thuộc và bày tỏ sự háo hức sắp đến biểu diễn ở Hà Nội. Link: https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/forever-in-love-kenny-g.sGEgpyjpMJRY.html
* Kẻ ngoại cuộc (nguyên tác L’Étranger, tiểu thuyết của Albert Camus, người dịch: Liễu Trương) là một trong những tác phẩm quan trọng giúp Albert Camus được trao giải Nobel Văn học năm 1957. Tiểu thuyết này được viết với đại từ ngôi thứ nhất - “tôi”, và người đọc chỉ biết câu chuyện qua những gì anh ta kể. Câu văn thường ngắn; đôi khi không có liên hệ giữa nguyên do và hậu quả, giữa những câu văn; nó lột tả nhân vật tôi - Meursault - tỏ ra dửng dưng gần như với tất cả. Anh ta là một kẻ đứng ngoài những tập tục, lề thói của xã hội, một “kẻ ngoại cuộc”…
Kẻ ngoại cuộc được xuất bản lần đầu năm 1942 và còn giữ nguyên sức hút từ đó đến nay trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, cùng với nội dung tác phẩm, ngay từ tên sách cũng đã có nhiều cuộc tranh luận thú vị, theo đó L’Étranger được dịch là Kẻ xa lạ (bản dịch của Lê Thanh Hoàng Dân - Mai Vi Phúc; Dương Kiền - Bùi Ngọc Dung; Nguyễn Văn Dân), Người xa lạ (bản dịch của Võ Lang, Tuấn Minh, Thanh Thư), Người dưng (bản dịch của Dương Tường).
ÐÔNG A