Quê mình mùa mưa bão
Tản văn của NGUYỄN BÁ THUYẾT
Tuổi thơ tôi gửi lại ở vùng quê bán sơn địa của miền Trung, mùa mưa lũ là những kỷ niệm mãi đằm sâu trong ký ức. Khi tiết trời bớt oi ả, sau giấc ngủ nồng nàn của đêm mưa tầm tã, nghe tiếng ộp oạp của ếch nhái, ễnh ương vọng về, mùi thơm thoảng từ nồi dưa kho mẹ nấu lan tỏa ra khắp căn nhà, ngoi đầu ra khỏi chăn thấy lành lạnh vành tai, tôi hiểu mùa mưa lũ đã về.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu sao hồi đó bão lũ ở quê tôi nhiều đến thế, đã nghèo lại lắm bão lũ nên cuộc sống càng túng thiếu khó khăn. Ký ức tôi ghi nhớ mãi trận bão năm 1981. Đó thực sự là một trận bão khủng khiếp tràn qua quê tôi. Nó đánh sạt cả con đê sừng sững xây dựng từ thời Pháp thuộc. Thanh niên, nam nữ khắp nơi được huy động về giúp dân dựng lại nhà cửa, giúp chính quyền khôi phục đê điều cả mấy tháng trời. Thời điểm đó cả nước khó khăn, nhân dân miền Trung càng khó khăn hơn.
Sau buổi chiều chăn trâu trên cánh đồng cằn cỗi do nắng hạn kéo dài, cùng lũ bạn tôi cưỡi trâu về khi mây bắt đầu vần vũ trên bầu trời. Bố đi bộ đội trên biên giới phía Bắc, mẹ và các anh chị tôi lo thu dọn đồ đạc, chất lúa lên cao, chặt tỉa những cành cây để không bị gió quật ngã lên mái nhà, giằng neo lại cửa…
Loa truyền thanh mắc trên cột tre khô đầu làng ra rả thông báo tin tức: “Tin bão khẩn cấp, cơn bão số… ...Dự báo 24 giờ tới bão di chuyển theo hướng Tây… mỗi giờ đi được…”. Anh tôi đang làm bỗng dừng lại: “Thôi rồi! Cứ vào 17, 18, 19… độ vĩ Bắc, đi theo hướng Tây là nguy cơ lớn tâm bão vào ngay giữa quê mình”.
Không chỉ anh tôi, cả làng tôi cứ bắt đầu 17, 18 tuổi thì sau gia đình, ai cũng phải có trách nhiệm với cộng đồng, và y như rằng ai cũng sẽ thuộc lòng những việc tự nhiên phải nhớ, phải làm như thế; tỷ như xong việc phòng bị cho nhà mình, gái trai đoàn toán kéo nhau thăm những nhà già cả neo đơn, cùng nhau lo việc chằng chống nhà cửa, chuyển đồ đạc lên cao…
Chạng vạng tối, sau những cơn mưa như trút là gió lớn giật mạnh dần. Anh tôi kiểm tra lại cái đèn bão cũ kỹ và hai cái đèn dầu để sẵn sàng thắp sáng đêm. Mẹ luôn miệng cầu trời khấn phật mong chờ bình an. Không lâu sau gió lớn từng đợt ràn rạt làm cả ngôi nhà rung lắc, mẹ bồn chồn hết đứng đến ngồi. Khi nghe ngoài vườn tre và cây cối đổ gãy oang oác, mẹ nói: “Bão vô rồi á!”. Cả nhà tôi đều thức dậy dáo dác, tai dỏng về phía âm thanh ghê rợn, gió bão xoáy ngoài trời mà như xoáy vào trái tim, lồng ngực…
Tranh của họa sĩ VŨ DUY VĨNH
Khoảng nửa giờ quần thảo, bão yếu dần và cũng là lúc những trận mưa ồ ạt trút xuống. Ai cũng như trút được gánh nặng, nghe tiếng mẹ từ ngoài sân vọng vào: “Xóm Đồng bị trúng luồng gió xoáy, nghe đâu nhà cửa bị đổ hết, xóm Côi nhiều nhà bị tốc mái. Thằng Hành (anh trai tôi) ăn củ khoai lót dạ rồi mau ra đầu làng để cùng thanh niên xúm giúp đỡ bà con một tay”. Trong khi chị và mẹ dọn dẹp đồ đạc, tôi lo xếp lại mấy tập sách vở bị mưa tạt ướt lép nhép, ngoài trời mưa vẫn rào rào không dứt.
Trời sáng dần, nước mưa như đã lấp đầy ao hồ, ngấm đủ vào đất bắt đầu dâng lên, mẹ và chị tất tả kê đồ đạc lên; tôi ngồi nhìn thấy nước ngập qua ngõ, đầy sân và nghĩ đến trò chống bè chuối cùng bạn bè chơi thủy chiến cho đến khi quần áo ướt sũng, lạnh run, bị người lớn la mắng mới chịu rủ nhau về. Có lẽ vì thế mà trẻ con quê tôi lớn lên ai cũng bơi lội rất giỏi và thường được chọn vào bộ đội hải quân, biên phòng… Tôi cũng nằm trong số đó.
Đã hơn 40 năm trôi qua, nay làng tôi có nhiều con đường lớn đi qua, cao tốc Bắc - Nam cũng đã giải phóng xong mặt bằng, hệ thống kênh mương nội đồng, đường làng đã được bê tông hóa từ nhiều năm trước, xóm làng nhà cửa khang trang… Mùa mưa bão dân làng tôi không còn lo lắng, thắc thỏm như xưa, nhưng trai làng tôi vẫn cứ thuộc lòng những việc tự nhiên phải nhớ, phải làm; xong trách nhiệm với gia đình, thanh niên lại kéo nhau làm giúp những nhà trong xóm. Một nét đẹp mà mỗi khi nhắc đến, cả những người ở xa vẫn nghèn nghẹn tự hào nhớ nhung, gọi là mỹ tục quê mình. Mà cũng chẳng cần phải đến trước mùa mưa bão, cứ hễ cần thì bà con lại ới đến thanh niên.