Phòng bệnh viêm mũi, họng khi chuyển mùa
Thời tiết chuyển mùa thường gây viêm mũi, họng ở cả trẻ em lẫn người lớn với triệu chứng là đau họng, chảy nước mũi, hắt hơi… Vì vậy, việc phòng bệnh là rất quan trọng.
Vệ sinh răng miệng, tai mũi họng thường xuyên, hằng ngày vì nơi đây có thể tích tụ vi khuẩn và gây bệnh do đặc thù môi trường ẩm ướt, trao đổi thường xuyên với không khí môi trường và thực phẩm. Do đó, cần vệ sinh thường xuyên bằng việc vệ sinh răng miệng sau khi ăn, đánh răng trước và sau khi thức dậy. Có thể dùng nước muối sinh lý để súc họng, vệ sinh mũi… ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
Tắm bằng nước ấm: Người bị viêm họng tái phát nhiều lần, người sức khỏe yếu nên tắm bằng nước ấm kể cả trong thời tiết chớm lạnh giao mùa. Phòng tắm nên thiết kế kín, tránh gió lùa, sau khi tắm xong thì cần lau khô người trước khi mặc quần áo sạch và ra ngoài.
Giữ ấm cơ thể: Gió lạnh là nguyên nhân khiến niêm mạc họng trở nên yếu ớt hơn, nguy cơ nhiễm khuẩn và viêm họng cấp cũng cao hơn. Vì thế, hãy đảm bảo giữ ấm cho cơ thể trong thời tiết lạnh, nhất là khi ra ngoài vào sáng sớm hoặc buổi tối. Các vị trí quan trọng cần giữ ấm gồm: Bàn tay, bàn chân, đầu, ngực, cổ…
Ngủ đủ giấc: Người ngủ đủ giấc thì khả năng miễn dịch phòng chống bệnh cao hơn những người chỉ ngủ ít hơn 8 tiếng.
Không hút thuốc lá: Khói thuốc lá gây ra sự kích ứng trong đường thở khiến cho con người dễ bị vi rút rhino tấn công. Ngoài ra hút thuốc lá còn khiến dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác do vi rút gây ra.
Tăng cường vitamin C: Uống một cốc nước cam mỗi ngày là cách bổ sung vitamin C hiệu quả giúp phòng và chữa cảm lạnh.
Vận động thường xuyên: Để ngăn ngừa cảm lạnh, hãy ra ngoài vào ban ngày càng nhiều càng tốt và giữ thói quen vận động thường xuyên. Những hoạt động thể chất vừa sức, đều đặn có thể sẽ làm gia tăng lượng tế bào của hệ miễn dịch, giúp chống lại nhiều loại vi khuẩn và vi rút có hại cho sức khỏe.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)