Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn
Sản phẩm công nghiệp nông thôn của Bình Ðịnh ngày càng đa dạng, chất lượng cao, có vị thế tốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Ðiều này có sự góp sức rất lớn của chương trình khuyến công.
Bà Đào Thị Thức, cơ sở sản xuất bún phở khô Phương Anh (huyện Hoài Ân), cho biết: Trước đây, các sản phẩm bún, phở khô ở cơ sở sản xuất thủ công, năng suất thấp, tốn thời gian, nhân công. Để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất tự động, nhờ đó năng suất tăng gấp đôi, rút ngắn thời gian, giảm chi phí, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng thời gian bảo quản, lợi nhuận tăng. Năm 2023, cơ sở mạnh dạn đầu tư thêm dây chuyền đóng gói sản phẩm với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương.
Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh được hỗ trợ tham gia hội chợ tại TP Đà Lạt, ngày 6.11.2023. Ảnh: HẢI YẾN
Ứng dụng máy móc hiện đại còn giúp DN đa dạng mẫu mã, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh. Ông Đặng Trung Tín, Giám đốc Công ty TNHH Tôn thép Trung Tín (huyện Tây Sơn), cho hay: Tôn kẽm mạ màu đang được sử dụng ngày càng phổ biến trong các công trình xây dựng dân dụng hay các công trình công nghiệp. Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 200 triệu đồng, công ty mạnh dạn đầu tư hệ thống máy cán tôn màu, tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. Sau khi vận hành hệ thống máy móc mới, công ty có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng, lợi nhuận tăng lên.
Năm 2023, UBND tỉnh phê duyệt hơn 2,8 tỷ đồng hỗ trợ 16 DN, cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Các đơn vị nhận hỗ trợ từ 100 - 200 triệu đồng trang bị máy móc, dây chuyền sản xuất. Ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, cho biết: UBND tỉnh cấp kinh phí trợ giúp các DN mở rộng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển theo hướng bền vững, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động tham gia sản xuất và tăng lợi nhuận cho DN. Nhờ đó, nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại còn hỗ trợ các cơ sở giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa, tham gia các hội chợ, triển lãm, các gian hàng xúc tiến thương mại, kết nối thương mại điện tử để mở rộng thị trường cho sản phẩm của các cơ sở, DN.
Theo ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương, để sản phẩm, hàng hóa công nghiệp nông thôn vươn xa trên thị trường, ngoài nâng cao năng lực quản lý, các cơ sở, HTX, DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh, makerting hiệu quả. Do đó, Sở Công Thương luôn khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở sản xuất, DN, HTX xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn để chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường, đem lại giá trị kinh tế cao.
Nhận thức rõ yêu cầu của thị trường, các DN, HTX, cơ sở sản xuất đã tích cực thiết kế, sáng tạo mẫu mã mới, diện mạo mới cho sản phẩm. Trong năm 2023, nhiều DN có mẫu bao bì mới, bắt mắt như trà cà phê Cazin, nước mắm Thái An, bún phở khô Kicafoods, bún phở khô Biên Thắm, bột diếp cá Lộc Tín, trà Bảo Khánh, bột ngũ cốc Khánh Giang, dầu phộng bà Cũ… Các DN còn được ưu tiên xét hỗ trợ về xúc tiến thương mại, đăng ký bình chọn các thương hiệu, tư vấn chính sách hỗ trợ trong các chương trình khuyến công, nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm; được ưu tiên tham gia các chương trình kết nối, hội chợ bán buôn, bán lẻ trong và ngoài nước… Từ đó, DN có thêm điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu.
Ông Nguyễn Đình Kha cho biết thêm, các DN, HTX, cơ sở đã khẳng định quá trình nỗ lực không ngừng của chính họ; các sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp cũng là niềm tự hào của mỗi địa phương, góp phần nâng tầm cho sản phẩm công nghiệp nông thôn Bình Định.
HẢI YẾN