Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất cho vay
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đề xuất tiếp tục hạ lãi suất, nới lỏng quy định giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Lãi suất cho vay bất động sản vẫn cao
Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội sáng 13.11, đại diện Tập đoàn địa ốc Novaland kiến nghị: “Mặt bằng lãi suất hiện vẫn cao. Hy vọng trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay giúp giảm gánh nặng của doanh nghiệp. Chúng tôi cũng phải nhấn mạnh rằng đã có những ngân hàng rất hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng có nhiều ngân hàng lãi suất còn cao”.
Ngoài ra, vị này đề xuất gia hạn Thông thư 02 cơ cấu nợ, gia hạn nợ cho doanh nghiệp kéo dài 20 tháng thay vì 12 tháng như hiện nay để góp phần giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Vì dự kiến năm 2024, tình hình kinh tế sẽ tiếp tục còn khó khăn, ít nhất phải đến hết quý II/2024.
Đại diện Novaland tại hội nghị sáng 13.11.
Cũng quan tâm đến vấn đề lãi suất, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes thông tin, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi và các khoản vay cũ vẫn phải chịu lãi suất cao.
“Đặc biệt, việc giới hạn room tín dụng dẫn đến các ngân hàng cân nhắc, lựa chọn khách hàng khi cho vay, vẫn cho vay với lãi suất cao làm mặt bằng chung lãi suất thực tế chưa giảm nhiều như kỳ vọng”, ông Hoa nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) cho biết, hiện nay lãi suất cho vay bất động sản vẫn còn cao hơn so với mức lãi suất đầu vào tại các ngân hàng.
“Mặc dù NHNN đã có những chỉ đạo rất sát sao về việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nền kinh tế nhưng thực tế doanh nghiệp khi tiếp cận từng ngân hàng cụ thể thì lãi suất vẫn còn cao.
Ví dụ thời điểm tháng 6.2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định mức lãi suất huy động dưới 6 tháng là 4,5%/năm. Từ lãi suất ngắn hạn, huy động sang cho vay trung hạn chắc chắn phải có dư ra để xử lý. Khi chúng tôi vay vốn, năm đầu được ưu đãi 8%/năm. Nhưng đến tháng 6.2023 sau khi hết ưu đãi chúng tôi phải chịu mức lãi suất 11%/năm, sau đó mới được giảm xuống 10,5%/năm. Đến tháng 10/2023 chúng tôi vẫn chịu mức lãi suất là 9,5% trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm", ông Hiệp phát biểu.
Ngoài lãi suất, tài sản đảm bảo cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động vay và cho vay giữa các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng.
Theo ông Phạm Thiếu Hoa, tài sản đảm bảo trong lĩnh vực bất động sản đang bị đánh giá thấp hơn so với giá trị thực của nó nhiều lần do thị trường bất động sản đóng băng, không có nhiều giao dịch tham chiếu.
“Các dự án bất động sản vướng mắc trong các quy trình, thủ tục. Nhiều ngân hàng chỉ giải ngân cho các khoản vay có tài sản đảm bảo là bất động sản chứ không nhận tài sản đảm bảo khác như cổ phiếu niêm yết, máy móc thiết bị…khiến các doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận tín dụng hơn”, ông Hoa phân tích thêm.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, vấn đề về tài sản thế chấp, ngoài việc thế chấp chính dự án đó, doanh nghiệp còn phải bổ sung thêm các tài sản đảm bảo khác khiến việc tiếp cận nguồn vốn cũng khó khăn hơn. “Nên chăng ngân hàng cần xem xét đối với các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng lành mạnh để giải ngân, giảm bớt hệ số tài sản đảm bảo cho các doanh nghiệp”.
Đối với các doanh nghiệp vay vốn dưới 70% tổng mức đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng đề nghị ngân hàng xem xét rút bớt điều kiện về tài sản đảm bảo để việc tiếp cận nguồn tín dụng thuận lợi, giúp doanh nghiệp bất động sản thuận lợi sản xuất, kinh doanh.
Nới lỏng các quy định cho người mua nhà
Từ những vướng mắc hiện có, ông Lâm Hoàng Đăng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú (Văn Phú - Invest) - đề nghị nới lỏng các quy định cho người mua nhà. Ông Đăng nêu ví dụ dự án nhà ở công nhân của Văn Phú - Invest tại Bắc Ninh đang gặp khó khăn ở khâu bán hàng.
“Theo quy định hiện hành, đối tượng được hưởng hỗ trợ về nhà ở công nhân gồm có 10 đối tượng. Chúng tôi đề xuất mở rộng tập đối tượng này giúp kích cầu hơn cho cả dự án và cho cả các công nhân có cơ hội mua được nhà", ông Đăng nói.
Theo ông Đăng, quy định hiện hành còn nhiều điều kiện ràng buộc gây khó khăn cho việc tiếp cận ưu đãi vay mua nhà ở công nhân. Do đó, ông Đăng kiến nghị xem xét điều chỉnh cho phép điều chỉnh quy định được vay vốn của công nhân mua nhà ở xã hội, chỉ cần công nhân có thu nhập thường xuyên sau các khoản thuế là dưới 10 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, về quy định tỷ lệ vốn tự có (30%) khi vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp, ông Đăng đề xuất giảm chỉ số này xuống dưới 30% trong giai đoạn khó khăn này để giảm thiểu áp lực cho doanh nghiệp. “Khi khó khăn, doanh nghiệp buộc phải chi vốn tự có của mình để vượt qua khó khăn, đương nhiên là lượng tiền tiêu hao. Nếu vẫn phải cố gắng duy trì tỷ lệ 30% vốn này để vay ngân hàng thì doanh nghiệp sẽ áp lực rất lớn”.
(Theo CÔNG HIẾU/VTC)