Gắn kết tình quân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Bám sát các nghị quyết, kế hoạch hành động của cấp trên, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả, nền nếp công tác dân tộc trong tình hình mới.
Sâu sát cơ sở, gần gũi dân
Làng Tà Lét (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) có hơn 40 hộ dân. Nhiều năm nay, làng Tà Lét không còn nạn mê tín dị đoan, các hủ tục đã được loại bỏ dần. Nhờ vậy, tình hình ANTT trên địa bàn luôn ổn định. Ông Ðinh Biên (69 tuổi, người có uy tín của làng) cho biết: Cán bộ Ban CHQS huyện cùng Ban CHQS xã thường xuyên tổ chức gặp mặt các già làng, người có uy tín để thông tin về tình hình thời sự cũng như cách thức, nội dung cần tuyên truyền để bà con chấp hành tốt chủ trương, chính sách về dân tộc của Đảng, Nhà nước. Sau đó, ông phổ biến lại trong các buổi họp làng để bà con cùng nhau thực hiện.
Để nâng cao hiệu quả công tác dân tộc, LLVT tỉnh đã chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thông qua việc tổ chức gặp mặt, biểu dương già làng, trưởng thôn tiêu biểu hay bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh để họ nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, hằng năm Bộ CHQS tỉnh đều chủ động phối hợp với các ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Riêng giai đoạn 2019 - 2023, với phương châm “kiên trì, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ”, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được 322 buổi, thu hút trên 31.060 lượt người tham gia.
Đại tá Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ nhiệm Chính trị (Bộ CHQS tỉnh), cho biết: “Bộ CHQS tỉnh đã tích cực tham gia củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn, tình hình nhân dân, kịp thời xử lý, giải quyết những vấn đề phức tạp ở vùng đồng bào DTTS, không để xảy ra điểm nóng”.
Ban CHQS TP Quy Nhơn thăm, tặng quà người dân làng Kà Bông (xã Canh Liên). Ảnh: H.P
Gắn kết tình quân dân
Bên cạnh công tác tuyên truyền, LLVT tỉnh đặc biệt chú trọng công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS với những việc làm cụ thể, thiết thực nhằm xây dựng tình quân dân ngày càng bền chặt. Đơn cử, thực hiện phong trào LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2019 - 2023, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh đã huy động gần 290 lượt cán bộ, chiến sĩ/1.792 ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới tại xã An Trung (huyện An Lão), xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh) và xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn). Cụ thể là xây dựng cơ sở hạ tầng; xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, tặng quà, trao vật nuôi, khám bệnh cấp thuốc miễn phí... với tổng trị giá trên 363 triệu đồng. Ngoài ra, bằng các hình thức, mô hình như: Huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận; “Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo”; “Quân dân y kết hợp”; “Hũ gạo vì người nghèo”... LLVT tỉnh còn giúp các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống làm gần 20 km đường giao thông; sửa chữa, làm mới 7 căn nhà; hỗ trợ con giống, vật nuôi trị giá gần 250 triệu đồng, giúp 17 hộ thoát nghèo...
Theo trung tá Trần Văn Quân, Trưởng Ban Dân vận (Bộ CHQS tỉnh), Bộ CHQS tỉnh đã giao cho 16 đầu mối là các cơ quan Bộ CHQS tỉnh và ban CHQS 11 huyện, thị xã, thành phố kết nghĩa với các xã, làng thuộc huyện Vân Canh, Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh. “Hoạt động này không chỉ hỗ trợ thêm về đời sống vật chất, tinh thần cho bà con đồng bào DTTS, mà còn là dịp để các đơn vị nắm chắc địa bàn, xây dựng các “hạt nhân” tham gia giữ gìn ổn định an ninh chính trị ở tuyến núi”, trung tá Quân nhận định.
Đại tá Nguyễn Minh Hiến, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, khẳng định: Những kết quả trên phản ánh LLVT tỉnh đã tham gia triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc trong tình hình mới. Qua đó, góp phần giữ vững niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước; củng cố, giữ vững thế trận lòng dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
HỒNG PHÚC