Giá mì nguyên liệu tăng cao, nông dân có lãi
Từ cuối tháng 10.2023, nông dân trong tỉnh bắt đầu thu hoạch mì. Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho biết: Năm nay, toàn tỉnh có 9.627 ha đất trồng mì, tập trung chủ yếu ở các huyện Phù Mỹ hơn 1.800 ha, Phù Cát 2.600 ha, Tây Sơn gần 1.400 ha, TX Hoài Nhơn hơn 1.700 ha... Năng suất mì thu hoạch đạt bình quân 28,1 tấn/ha và đang được các công ty thu mua với mức giá cao, nông dân có lãi khá.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, nhà máy chế biến tinh bột mì của Công ty TNHH Tinh bột sắn Nhiệt Đồng Tâm đặt tại xã Vĩnh Quang mỗi ngày nhập khoảng 400 - 500 tấn mì nguyên liệu, với giá mua dao động 3.650 - 3.800 đồng/kg, tùy theo địa phương (mì có hàm lượng tinh bột từ 30% trở lên); tăng 500 - 700 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022.
Nông dân huyện Vân Canh chở mì đến nhà máy của Công ty TNHH MTV Nguyên Liêm (xã Canh Thuận) bán. Ảnh: T.LỢI
Tương tự, ở huyện Vân Canh, nhà máy tinh bột mì của Công ty TNHH MTV Nguyên Liêm đặt tại xã Canh Thuận đang tăng cường thu mua mì nguyên liệu ở địa phương (mì có hàm lượng tinh bột từ 30% trở lên) với giá 3.550 đồng/kg và ở Tây Sơn với giá 3.750 đồng/kg, cao hơn mức giá bình quân năm ngoái từ 700 - 900 đồng/kg.
Theo ông Mai Đình Chương, Phó Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu của Công ty TNHH MTV Nguyên Liêm, mỗi ngày nhà máy nhập từ 600 - 700 tấn mì nguyên liệu, chủ yếu là mì ở Bình Định và 3 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum). Giá thu mua mì đang ở mức cao, hầu hết người trồng có lãi. Theo tiến độ, đến giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người trồng mì trong tỉnh sẽ hoàn thành vụ thu hoạch.
AN NHIÊN