Hà Nội: Lần đầu tiên tổ chức tuyến tàu hỏa “Hành trình di sản”
Tuyến tàu “Hành trình di sản” có các toa dành riêng cho triển lãm nghệ thuật, kết nối các điểm di sản hai bên bờ sông Hồng là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với Ban tổ chức Lễ hội tổ chức tuyến tàu đặc biệt này.
Triển lãm Thủy Phủ diễn ra tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Ảnh: BTC cung cấp.
Đây là tuyến tàu dành riêng cho du khách tham gia trải nghiệm Lễ hội, với hành trình đi qua 3 điểm là ga Hà Nội - ga Long Biên - ga Gia Lâm, qua cầu Long Biên lịch sử. Điểm xuất phát từ ga Hà Nội và kết thúc tại ga Gia Lâm, từ đó khách tham quan đi bộ đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để tham gia các hoạt động tại Lễ hội. Mỗi tàu có 5 toa xe chở khách (khoảng 280 chỗ) và 2 toa xe triển lãm nghệ thuật, số lượng chỗ có thể tăng thêm tùy thuộc vào nhu cầu của khách. Thời gian hoạt động tuyến tàu bắt đầu từ ngày 18 - 26.11.
Trên tàu sẽ trưng bày các tác phẩm của triển lãm "Chuyển động ngoại biên #2" với những sáng tác được gắn cố định lên mặt kính của các ô cửa sổ tàu. Triển lãm là cơ hội để khán giả ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật thị giác độc đáo thông qua việc tạo ra không gian trưng bày nhấn mạnh vào mối tương quan giữa sự chuyển dịch của đô thị và tâm tưởng nghệ thuật. Qua đó, du khách được thấy cách các nghệ sĩ truyền tải sự đối thoại của nghệ thuật với chuyển động của đời sống.
Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của du khách, trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội, tuyến tàu “Hành trình di sản” được tổ chức 4 chuyến mỗi ngày. Các khung giờ chạy tàu: Tàu LH3 khởi hành từ ga Hà Nội lúc 8 giờ và tàu LH4 khởi hành từ ga Gia Lâm lúc 10 giờ 50 phút; tàu LH5 khởi hành từ ga Hà Nội lúc 13 giờ 20 phút và tàu LH6 khởi hành từ ga Gia Lâm lúc 16 giờ. Riêng tối 17.11, tàu LH1 xuất phát từ ga Long Biên lúc 19 giờ 05 phút để chở đại biểu tham dự khai mạc Lễ hội.
Giá vé là 20.000 đồng/người/lượt, được mở bán trên trang web http://www.dsvn.vn hoặc người dân và du khách có thể mua vé tại ga Hà Nội, ga Long Biên để trải nghiệm tour đường sắt đặc biệt này.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Năng Khang cho biết, sau Lễ hội, Tổng Công ty sẽ tiếp tục đầu tư, trang trí các ga Hà Nội, ga Long Biên để trở thành điểm tham quan, nâng cao giá trị văn hóa lịch sử. Đồng thời, Tổng Công ty sẽ đánh giá mức độ quan tâm của du khách cũng như hiệu quả của việc chạy tour đường sắt này trong việc thu hút du khách, làm sống lại di sản Hà Nội, từ đó sẽ có đề xuất để đưa tour trải nghiệm này hoạt động thường xuyên.
Theo Đinh Thuận (TTXVN)