Tăng cường kiểm tra, xử lý nạn xung điện, xiếc máy trên đầm Ðề Gi
Báo Bình Định số 8740 ra ngày 7.10 có bài viết: “Kiên quyết xử lý hành vi khai thác thủy sản bằng xung điện”, phản ánh tình trạng sử dụng xung điện, xiếc máy (XĐXM) để khai thác thủy sản trên địa bàn các xã khu Đông huyện Phù Cát diễn ra rất phổ biến, khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt.
Sau khi báo đăng, ngày 10.11, UBND huyện Phù Cát đã có văn bản số 2352/UBND-NN phản hồi thông tin trên.
Các phương tiện xung điện, xiếc máy đậu trên đầm Đề Gi thuộc địa bàn xã Cát Minh. Ảnh: N.Q
Theo văn bản này, qua kiểm tra, thống kê, hiện có 66 hộ dân sử dụng XĐXM để khai thác thủy sản trái phép trên khu vực đầm Đề Gi. Các hộ này thuộc địa bàn 2 xã Cát Minh và Cát Khánh. Trong đó, xã Cát Minh có 58 hộ (thôn Đức Phổ 1 có 43 hộ, thôn Đức Phổ 2 có 15 hộ), xã Cát Khánh có 8 hộ (đều ở thôn Ngãi An).
Các hộ dân có hoạt động XĐXM chủ yếu sinh sống bằng nghề chính là nuôi thủy sản, làm muối và có hoạt động khai thác thủy sản trên đầm bằng các nghề cào nghêu, cào sìa. Việc sử dụng XĐXM của các hộ này chỉ là nghề phụ, không thường xuyên.
Thời gian gần đây, một phần do đời sống kinh tế khó khăn nên một số hộ dân đã quay trở lại khai thác thủy sản trên đầm bằng XĐXM, chủ yếu hoạt động lén lút vào đêm tối. Thu nhập trung bình của 1 tàu khai thác thủy sản bằng XĐXM trong một đêm chỉ khoảng 200 - 300 nghìn đồng.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND huyện đã phối hợp với Sở NN&PTNT, các ngành chức năng của tỉnh triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho người dân, đặc biệt là quy định về các nghề cấm của Bộ NN&PTNT để người dân hiểu, từng bước thay đổi nhận thức, hành vi và chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản, từ bỏ nghề cấm khai thác thủy sản. Đồng thời, chỉ đạo UBND xã Cát Minh, Cát Khánh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, hạn chế hoạt động sử dụng XĐXM để khai thác thủy sản trên khu vực đầm Đề Gi.
Mặc khác, việc đấu tranh, xử lý tình trạng đánh bắt thủy sản bằng nghề XĐXM hiện nay rất khó khăn, phức tạp do lực lượng chuyên trách mỏng, thiếu trang bị, công cụ hỗ trợ, địa hình hiểm trở nên không thể đảm bảo lực lượng tuần tra thường xuyên tại các khu vực.
Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT, các ngành chức năng của tỉnh và chỉ đạo các ngành chức năng của huyện, các địa phương có liên quan tổ chức tuyên truyền các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 về nghiêm cấm tàng trữ, sử dụng XĐXM để khai thác thủy sản. Tiếp tục tăng cường phát động phong trào thi đua “Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản” tại các xã, thị trấn ven biển, đặc biệt là xã Cát Minh, Cát Khánh. Tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên địa bàn, trong đó chú trọng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi sử dụng XĐXM khai thác thủy sản.
N. QUÝ