Chú trọng công tác tư vấn tâm lý cho học sinh
Cùng với nỗ lực dạy tốt - học tốt, nhiều trường THCS trong tỉnh đang phát huy hiệu quả vai trò của tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh, góp phần đáng kể vào việc tháo gỡ những vướng mắc trong tâm tư, tình cảm của tuổi mới lớn, giúp các em tìm thấy niềm vui, sự thoải mái mỗi ngày đến trường.
Năm học 2018 - 2019, Trường THCS Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) thành lập Tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh với 5 thành viên, do phó hiệu trưởng nhà trường làm tổ trưởng. Cũng từ đó, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường có thêm một chỗ dựa tinh thần vững chắc. Tấm bảng thật to, in thật rõ họ tên, chức vụ, nhiệm vụ cùng số điện thoại di động của từng thành viên trong tổ, gắn bên ngoài văn phòng nhà trường, như một lời cam kết: Chúng tôi luôn ở bên các em.
Tạo môi trường thân thiện để học sinh mạnh dạn, tự tin chia sẻ tâm tư là điều mà Tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh Trường THCS Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) đã làm được. Ảnh: N.T
Trường có hơn 1.300 học sinh, trong đó khá nhiều em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như: Cha mẹ ly hôn, ở với mẹ kế hoặc cha dượng nhưng không được thương yêu; gia đình vỡ nợ, cha mẹ bỏ trốn; cha mẹ đi làm ăn xa gửi con cho ông bà, người thân quen... Những cú sốc tâm lý, thiếu tình thương, sự quan tâm cần thiết đã khiến nhiều em gần như bị trầm cảm, học hành sa sút, có tư tưởng sống buông xuôi, bị thanh niên lêu lổng ngoài nhà trường lôi kéo.
Cô Võ Thị Hoàng Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Diệu, cho biết: Tại các buổi chào cờ tôi thường dặn dò, các em có việc gì khó khăn, hãy đến gặp trực tiếp cô hoặc các thầy cô trong tổ tư vấn để chia sẻ và được hướng dẫn giải quyết nhé. Nhờ vậy mà đa số học sinh dạn dĩ hẳn.
“Nhà trường thiết lập nhiều kênh thu thập thông tin từ các em lắm. Tiếp nhận bất kỳ thông tin nào liên quan đến học sinh, nhà trường cũng vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ rốt ráo. Một mình nhà trường làm không xong thì báo UBND phường, CA, hội khuyến học của phường, rồi vận động phụ huynh cùng chung tay giải quyết”, cô Yến chia sẻ.
Ở TX Hoài Nhơn, nhiều năm học qua, Trường THCS Bồng Sơn luôn dành sự quan tâm đáng kể đến việc tương tác giữa các em học sinh với nhau, không chỉ khi các em đến trường mà còn trên không gian mạng. Trong 4 khối lớp, thầy cô trong Tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh quan tâm nhiều nhất đến các em của khối 8. Không né tránh hoặc trách phạt, các thầy cô xác định “việc lời qua tiếng lại ở lứa tuổi dậy thì rất khó tránh khỏi”. Vậy nên, phát hiện càng sớm, giải quyết càng tận gốc rễ khúc mắc thì càng tốt. Không bêu tên những em vi phạm dưới cờ, không giáo huấn với lời lẽ nặng nề lý thuyết, thành viên Tổ tư vấn thu xếp gặp gỡ riêng từng em vi phạm, trò chuyện, phân tích kỹ lưỡng tình huống, lấy sự trải nghiệm của bản thân và dẫn chứng những hậu quả trong đời sống xã hội thực tế từ tình huống tương tự mà thuyết phục. Theo kiểu mưa dầm thấm lâu, thầy cô theo sát thay đổi của các em; riêng số hơi bướng bỉnh thì cần thêm sự hỗ trợ, phối hợp của phụ huynh.
Trong các cuộc trao đổi với chúng tôi, tất cả thầy cô tổ tư vấn đều từ chối cung cấp tên hoặc kể về những trường hợp cụ thể. Trong trái tim của một người thầy, các em luôn cần được dạy dỗ, chỉ bảo hơn là chỉ trích, phê bình.
Vất vả hơn cả có lẽ là tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Các thầy cô thấu hiểu khoảng cách “khá xa” giữa nếp sinh hoạt tự nhiên ở làng với nền nếp, kỷ luật ở nhà trường. Nhiều em hiểu được các quy định, nhưng do thói quen sinh hoạt mà việc tuân thủ chỉ ở mức độ nhất định. Tổ tư vấn còn gặp không ít rào cản lớn từ ông bà, cha mẹ các em.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú An Lão hiện có 577 học sinh, đến từ 4 xã: An Vinh, An Dũng, An Trung, An Hưng và thị trấn An Lão. Trong số này, 202 học sinh ăn ở tại trường, đến cuối tuần mới về nhà. Theo thầy Hồ Văn Tự, Hiệu trưởng nhà trường, đến trường, vào lớp, các em đều nói tiếng Kinh. Dù vậy, đa số em khi nói chuyện với nhau, nhất là lúc rủ nhau trốn ra ngoài chơi, uống rượu hay hẹn hò yêu đương, lại nói tiếng mẹ đẻ. “Nhà trường đã có kế hoạch tham mưu huyện tổ chức các lớp dạy tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên toàn trường, trong đó ưu tiên thành viên tổ tư vấn. Hiểu tiếng để hiểu thêm các em, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng mà can gián, hỗ trợ, tư vấn hiệu quả hơn”, thầy Tự cho hay.
NGỌC TÚ