Công tác hòa giải ở cơ sở: Góp phần để gia đình thuận hòa, xóm làng bình yên
Sau 10 năm triển khai thực hiện (2014 - 2023), Luật Hòa giải ở cơ sở đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hòa giải đi vào nền nếp, thống nhất, đạt hiệu quả cao.
Hóa giải mâu thuẫn
Để công tác hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả cao, các tổ hòa giải luôn bám sát đời sống người dân, nắm rõ nguồn căn của những mâu thuẫn để kịp thời tháo gỡ, ngăn chặn xung đột.
Đầu tháng 5.2023, Hội LHPN xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn) nhận được đơn tố cáo của chị N. (ở thôn Ngọc Thạnh, xã Nhơn Thọ) về việc bị chồng bạo hành dẫn đến nhập viện. Ngoài ra, chị N. còn gửi đơn đến “Ngôi nhà bình yên” (thuộc Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ và phát triển, Hội LHPN Việt Nam) nhờ hỗ trợ và can thiệp.
Các hòa giải viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải thông qua hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh năm 2023. Ảnh: Sở Tư pháp
Sau khi nắm được thông tin, Tổ hòa giải xã Nhơn Thọ đã kịp thời xác minh, nắm bắt tình hình. Thực tế, chị N. và chồng có mâu thuẫn nhưng chưa xảy ra bạo hành. Bất lực vì chồng thường hay nhậu nhẹt, không lo làm ăn, chị N. đã gửi đơn để “răn đe”.
Hội LHPN và CA xã phối hợp mời vợ chồng chị N. lên làm việc. Được động viên, chị N. thừa nhận vì nóng giận nên mới “làm quá” lên. Chồng chị N. cũng đã nhận thức việc làm của mình là sai, mong muốn được hòa giải với vợ. Sau đó, Hội LHPN xã đề nghị Chi hội phụ nữ thôn báo cáo Tổ hòa giải thôn. Tổ hòa giải thôn đã mời vợ chồng chị N. đến hòa giải. Kết quả, chị N. đã rút đơn; hai vợ chồng bảo ban nhau điều hay lẽ thiệt.
Đáng chú ý, nhiều vụ tranh chấp dai dẳng tại các địa phương cũng đã được hòa giải thành công. Đơn cử, Tổ hòa giải thôn Xuân Khánh, xã Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn) đã hòa giải thành vụ việc tranh chấp ở “cánh đồng lạc túc” thôn Xuân Khánh xảy ra từ năm 2019 giữa hộ ông Lê Tư và ông Nguyễn Thành Phương. Đàn vịt nhà ông Tư thường qua địa phận đồng lúa của ông Phương kiếm ăn; sẵn hiềm khích từ trước, ông Phương đã đánh chết vịt nhà ông Tư, dẫn đến hai bên xô xát, đánh nhau.
Sự việc trên đã được Tổ hòa giải thôn can thiệp. Tổ trưởng Tổ hòa giải đã căn cứ Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, cùng hòa giải viên phân tích trên cơ sở tình làng nghĩa xóm, thấu tình đạt lý. Từ đó, hai gia đình nhận thức được cái sai của mình, đứng ra xin lỗi nhau đầy thiện chí.
Tiếp sức cho công tác hòa giải
Dù đạt được nhiều thành công nhất định trong công tác hòa giải, nhưng các tổ hòa giải ở cơ sở vẫn còn gặp không ít khó khăn. Hầu hết các xung đột, mâu thuẫn xuất phát từ việc “cái tôi” của người dân quá lớn, đôi lúc các hòa giải viên gặp phải những “tai nạn nghề nghiệp” không mong muốn. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để duy trì công tác hòa giải vẫn còn hạn chế, chưa động viên được nhiều thành viên tham gia tổ.
Theo Sở Tư pháp, toàn tỉnh hiện có 1.121 tổ hòa giải/8.129 hòa giải viên. Trong 10 năm qua (2014 - 2023), các tổ hòa giải đã hòa giải thành 14.408/17.695 vụ việc, đạt tỷ lệ 81,4%. Các địa phương có tỷ lệ hòa giải thành cao là: TX An Nhơn (90%), TP Quy Nhơn (86%), huyện Tuy Phước (85%), huyện Phù Cát (85%). Mâu thuẫn, tranh chấp chủ yếu thuộc các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt hằng ngày tại cộng đồng dân cư.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của MTTQ và các đoàn thể ở thôn. Người tham gia hòa giải phải am hiểu về luật pháp, nắm chắc các kỹ năng hòa giải và thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Bên cạnh đó, việc phổ biến truyền thông về Luật Hòa giải ở cơ sở cũng cần được thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức, phù hợp với thực tiễn từng địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Thọ, cần bố trí tăng kinh phí cho công tác hòa giải để khuyến khích các hòa giải viên tích cực tham gia các hoạt động hòa giải, nâng cao tỷ lệ hòa giải thành công. Đối với những vụ việc khó, cần sự phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng trong quá trình hòa giải.
Ông Trần Xuân Vương, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Phù Cát, cho rằng điểm mấu chốt để công tác hòa giải ở cơ sở đạt kết quả cao là nâng cao khả năng của lực lượng hòa giải viên bằng cách thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải. Bên cạnh đó, cần nhân rộng các mô hình hòa giải điển hình, hiệu quả.
XUÂN QUỲNH