Phòng bệnh cho đàn vật nuôi trong mùa mưa bão
Mùa mưa bão là thời điểm các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi có nguy cơ tái phát cao. Ðể bảo vệ an toàn cho vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đã triển khai đồng bộ công tác tiêm vắc xin, đồng thời khuyến nghị các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng ngừa. Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trao đổi với phóng viên Báo Bình Ðịnh xung quanh vấn đề này.
Đến cuối tháng 10.2023, tổng đàn gia súc của tỉnh là hơn 1 triệu con, trong đó đàn bò hơn 308 nghìn con, đàn heo gần 700 nghìn con (không tính heo con theo mẹ) và gần 10 triệu con gia cầm.
● Tiêm vắc xin là giải pháp hiệu quả để phòng bệnh trên đàn vật nuôi, vậy tiến độ thực hiện việc này đến nay ra sao, thưa ông?
- Theo kế hoạch tiêm phòng vắc xin trên đàn vật nuôi được Sở NN&PTNT ban hành, đến nay, toàn tỉnh đã kết thúc đợt tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho trâu bò thứ 2 của năm, hơn 246 nghìn con đã được tiêm phòng (86% tổng đàn trong diện tiêm). Đồng thời, lực lượng cán bộ thú y toàn tỉnh tiếp tục duy trì tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, viêm da nổi cục trâu bò. Tuy nhiên, tiến độ tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục còn chậm, tỷ lệ chưa cao; vì vắc xin hỗ trợ theo cơ chế đối ứng giữa nhà nước và người chăn nuôi là 50:50, nên người dân thiếu tích cực tiêm phòng.
● Nhưng hiện mùa mưa gió, bão lụt đã về …
- Mấy năm gần đây, bà con trong tỉnh đã chăm sóc đàn vật nuôi ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão và giá lạnh nếu vật nuôi không được chăm sóc, bảo vệ tốt, nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh rất lớn, vì thế ta không thể chủ quan.
Các năm trước, vào giai đoạn này, dịch bệnh (lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, dịch tả heo châu Phi, tai xanh, tụ huyết trùng, phó thương hàn, cúm gia cầm…) đã rải rác xảy ra trên đàn vật nuôi ở một vài nơi. Đây chính là những nơi bất cẩn hoặc người chăn nuôi chủ quan, thiếu quan tâm trong phòng ngừa dịch bệnh.
● Để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi vào mùa mưa gió và bão lụt, người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp nào?
- Để bảo vệ đàn vật nuôi trong giai đoạn này, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp như: Củng cố chuồng trại chắc chắn, sao cho thường xuyên cao ráo, thoáng mát, dễ thoát nước, không có nguy cơ ngập úng. Chủ động che chắn chuồng nuôi, đảm bảo đủ ấm, tránh gió lùa, dột do mưa; quét dọn, vệ sinh tiêu độc chuồng trại… Đồng thời, cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, nước uống sạch, đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi. Bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa cho vật nuôi để nâng cao sức đề kháng.
Đối với heo con và gà con ở giai đoạn úm, nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng, bố trí hệ thống đèn thắp sáng, đảm bảo đủ ấm. Trâu bò thả núi, bà con cần sớm đưa về nuôi nhốt trong gia trại, chuồng trại, đề phòng mưa lạnh, rét đậm kéo dài. Với đàn vật nuôi đủ lớn nên xuất bán sớm, hạn chế khả năng rủi ro do bão lụt.
Bảo vệ sức khỏe đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão, lạnh giá là việc làm quan trọng.
- Trong ảnh: Bà con chăn thả bò ăn cỏ trên cánh đồng sau thu hoạch ở TX An Nhơn. Ảnh: T.L
Người chăn nuôi cũng cần chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm đảm bảo đầy đủ trong mùa mưa bão, lạnh giá. Chẳng hạn với trâu, bò, cần dự trữ thức ăn xanh, có thể phơi khô, ủ chua rơm rạ, cỏ khô, thân bắp. Đối với heo, gia cầm thì dự trữ thức ăn tinh và trong thức ăn thành phần phải đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh ẩm mốc.
Bên cạnh đó, vật nuôi cần được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra thể trạng đàn vật nuôi; khi phát hiện những biểu hiện bất thường trên đàn vật nuôi, như uể oải, ủ rũ, ăn ít, bỏ ăn, tình trạng sức khỏe đàn gia súc, gia cầm khác thường thì cách ly kịp thời để chăm sóc, điều trị…
● Trách nhiệm của cơ quan chức năng và địa phương trong vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Chi cục đã chủ động tham mưu Sở NN&PTNT ban hành văn bản đề nghị các địa phương chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói rét cho đàn vật nuôi trong mùa mưa bão, giá lạnh. Giao trách nhiệm cho nhân viên thú y cấp xã và trưởng thôn tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm thuộc địa bàn, nhất là bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả heo châu Phi… Phát hiện sớm và báo cáo nhanh tình hình dịch bệnh để được phối hợp bao vây, xử lý, dập tắt kịp thời; kiên quyết không để dịch lây lan ra diện rộng.
● Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)