Gỡ khó cho thị trường khoa học và công nghệ
Dù đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, nhưng đến nay, thị trường này vẫn phát triển “èo uột”.
Nhiều hoạt động hỗ trợ
Từ năm 2019 - 2023, tỉnh đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách, pháp luật về thị trường KH&CN. Các nhiệm vụ, đề án phát triển thị trường KH&CN, trong đó có chương trình phát triển tài sản trí tuệ, chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ DN trích lập quỹ phát triển KH&CN trên địa bàn cũng được tỉnh hỗ trợ để thực hiện. Chưa kể, giai đoạn này, Sở KH&CN cũng bố trí gần 1,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường KH&CN. Đồng thời, đăng ký chứng nhận hoạt động cho 1 tổ chức trung gian thị trường KH&CN là Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Định (trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ); xây dựng và đưa vào vận hành Sàn giao dịch công nghệ Bình Định (Techmart online). Bên cạnh đó, Sở KH&CN đã tiếp nhận, thẩm định và thông qua phê duyệt các hồ sơ đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN của các DN trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã triển khai chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN cho DN tham gia các sự kiện “Kết nối cung - cầu công nghệ” trong nước. Cấp chứng nhận DN KH&CN cho 16 DN; hỗ trợ đăng ký mã số, mã vạch cho 10 HTX trong tỉnh. Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, đã hỗ trợ 20 sản phẩm đặc trưng của các huyện, thị xã, thành phố đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có gắn với tên địa danh...
Mặc dù, có nhiều nỗ lực trong phát triển thị trường KH&CN nhưng hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn rất hạn chế. Việc mua bán công nghệ chủ yếu dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị. Việc chuyển giao công nghệ, mua bán trên sàn công nghệ, sàn thương mại điện tử còn quá ít. Đơn cử, sau 7 năm xây dựng và phát triển (2016 - 2023), số lượng giao dịch thành công qua sàn Techmart online chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó có giao dịch về mua bán phần mềm “Quản lý cư trú và đối tượng trên địa bàn” của Công ty TNHH Công nghệ - Kỹ thuật THC; sản phẩm “Máy lọc sạn gạo 1.000 kg/giờ LS1000-DH” của Công ty TNHH Cơ khí Đông Hải hoặc thiết bị “Tăng phô cao áp 3 pha” của Công ty TNHH điện cơ Bình Định. Sản phẩm nghiên cứu khoa học và phát triển KH&CN ở địa phương được hỗ trợ thương mại hóa cũng khiêm tốn với 8 sản phẩm, trong đó có sản phẩm BIDI-AGRI (thức ăn bổ sung cho tôm) và BIDI-AQUA (xử lý môi trường ao nuôi); rượu Hoàng đế Quang Trung, trà túi lọc đinh lăng, nấm đông trùng hạ thảo sấy khô, bột đông trùng hạ thảo…
Để thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh phát triển đồng bộ, hiệu quả cần phải tháo gỡ các khó khăn, rào cản, điểm nghẽn…
- Trong ảnh: Một số sản phẩm nghiên cứu khoa học, phát triển KH&CN ở địa phương được hỗ trợ thương mại hóa. Ảnh: TRỌNG LỢI
Cần thêm trợ lực để phát triển
Ông Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, cho rằng thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh phát triển “èo uột” là do trình độ, năng lực công nghệ của DN trong tỉnh đang ở trình độ thấp. Hơn nữa, các DN của tỉnh, chủ yếu là DN nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực để chủ động tìm kiếm và tiếp cận các thông tin về nguồn cung công nghệ, cũng như chưa tích lũy đủ các nguồn lực, nhất là nguồn vốn và nhân lực trình độ cao để tiếp nhận công nghệ mới, công nghệ cao. Số lượng đề tài, dự án nghiên cứu khoa học quy mô lớn và có tác động đột phá đến phát triển KT-XH của tỉnh chưa nhiều.
“Để sớm thúc đẩy thị trường KH&CN trong tỉnh phát triển đồng bộ, hiệu quả cần rà soát tổng thể lại các chính sách về thị trường, tháo gỡ những khó khăn, rào cản, điểm nghẽn... Cụ thể, các cấp, ngành, địa phương phải triển khai nhiều chương trình, biện pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ cho DN; tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận với dịch vụ, công nghệ, tiếp cận nguồn quỹ KH&CN để chuyển đổi công nghệ; tạo sự kết nối giữa các DN với các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; hỗ trợ tuyên truyền, định hướng cho người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm sản xuất theo công nghệ mới…”
Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Gạch Tuynen Bình Định
Mặt khác, các hoạt động thông tin về nghiên cứu KH&CN chủ yếu qua các buổi hội thảo, tập huấn, chưa hình thành chuỗi liên kết nghiên cứu, tạo ra sản phẩm và ứng dụng công nghệ để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Đó là chưa kể, các tổ chức trung gian phát triển thị trường KH&CN còn ít và yếu về năng lực. Cơ chế và chính sách trong việc phát triển thị trường KH&CN vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Nguồn lực cho phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Để thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập trong thời gian đến, theo ông Lê Công Nhường, ngành KH&CN tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, gồm: Hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy phát triển nguồn cung - cầu của thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của DN; tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường KH&CN.
Về mặt vĩ mô, Sở KH&CN sẽ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương quan tâm, ban hành các cơ chế chính sách nhằm bổ sung, sửa đổi và khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ trong các DN (kể cả DN nhỏ và vừa); có cơ chế thúc đẩy việc ứng dụng, nhân rộng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ cho sản xuất, kinh doanh; cho phép hạ mức lãi suất cho vay theo quy định tại các Quỹ KH&CN đối với các dự án vay vốn thuộc lĩnh vực nghiên cứu phát triển KH&CN. Sớm ban hành hướng dẫn việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống…
TRỌNG LỢI