Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự dùng tại nhà máy, xưởng sản xuất: Doanh nghiệp cần chính sách rõ ràng
Hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất, có chứng chỉ xanh để nâng cao lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu, hưởng nhiều lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa dám đầu tư vì chưa có hành lang pháp lý và các hướng dẫn rõ ràng về quy định lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho nhu cầu tự dùng.
Thời gian qua, nhiều DN tại Bình Định như: Công ty SX TM và DV Thiên Phát (TX Hoài Nhơn), Công ty TNHH kỹ nghệ ECO TECH (huyện Tuy Phước), Công ty TNHH TM Hoàng Giang (TP Quy Nhơn)… đã sử dụng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).
Một số doanh nghiệp trong tỉnh lắp đặt ĐMTMN tại xưởng sản xuất. Ảnh: HẢI YẾN
Ông Nguyễn Bá Hòa, Công ty TNHH Hoa Sen Việt (huyện Phù Cát) cho biết: Công ty tôi chuyên sản xuất hạt nhựa. Để tiết kiệm chi phí tiền điện và góp phần bảo vệ môi trường, công ty đã đầu tư 7 tỷ đồng lắp đặt hệ thống ĐMTMN với tổng công suất 500 KWp, vận hành từ năm 2020. Hệ thống điện này giúp công ty tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm, giảm hơn 20% chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hòa, công ty dù đã thực hiện ĐMTMN 3 năm nhưng vướng nhiều thủ tục buộc phải bổ sung, làm ảnh hưởng đến phát triển xanh của DN và quá trình thu hồi vốn đầu tư.
Ông Trương Minh Tuấn, Công ty TNHH MTV Công nghệ Ánh Dương (TP Quy Nhơn), cho biết: Các DN sản xuất trong các ngành như may, gỗ, chế biến chế tạo... rất muốn lắp đặt ĐMTMN, do chứng chỉ xanh là yêu cầu bắt buộc tại nhiều thị trường để có được đơn hàng. Nhưng vì chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình tự dùng, nên các DN còn lúng túng, chưa dám đầu tư lắp đặt.
Ông Đinh Xuân Huy, Giám đốc Khu công nghiệp Nhơn Hòa, cho biết: Nhiều DN trong khu công nghiệp rất muốn lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Theo cơ chế mới, họ cam kết chỉ dùng điện này cho sản xuất tại nhà máy của DN, không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, các DN cho biết vẫn chưa có hành lang pháp lý và các hướng dẫn rõ ràng về quy định lắp đặt ĐMTMN cho nhu cầu tự dùng, như: Vấn đề đấu nối với lưới điện hiện hữu, PCCC, giấy phép xây dựng...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 nhà máy thủy điện với tổng công suất 318,9 MW; 1 nhà máy điện mặt trời đấu nối lưới 220 kV với công suất 216 MW; 4 nhà máy điện mặt trời đấu nối lưới 110 kV với tổng công suất 200 MW; 3 nhà máy điện gió đấu nối lưới 110 kV với tổng công suất 77,4 MW; 2.078 hệ thống nguồn ĐMTMN với tổng công suất 179 MW.
Theo đánh giá của Công ty Điện lực Bình Định, sản lượng điện tiêu thụ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2021 là 8,8%/năm thì sản lượng điện sản xuất từ các nhà máy thủy điện, điện gió, điện mặt trời tăng liên tục qua các năm 2016 - 2021 đáp ứng được 100,3% sản lượng điện tiêu thụ. Nhưng dự báo đến năm 2025, nguồn điện sản xuất chỉ đáp ứng được 73% nhu cầu sử dụng. Do đó, việc phát triển ĐMTMN là cần thiết để bù vào lượng điện thiếu hụt.
TS Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương) cho biết, vừa qua do chính sách giá mua điện hỗ trợ cao nên dự án điện mặt trời phát triển quá nhanh, lưới điện và phụ tải không đáp ứng gây nghẽn mạch ở nhiều đường dây truyền tải.
Bộ Công Thương đã dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN lắp tại nhà ở, công sở, trụ sở DN để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Nhưng cơ chế khuyến khích này không áp dụng với nhà xưởng, bệnh viện, trường học… Vì vậy, các DN cần văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể để khuyến khích và phát triển ĐMTMN, có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, không để xảy ra việc phát triển tràn lan; đồng thời bảo đảm vận hành và độ tin cậy hệ thống điện.
HẢI YẾN