Tận dụng rác thải hữu cơ trong sản xuất rau an toàn
Năm 2023, từ mô hình phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn), nhiều nông hộ đã trực tiếp phân loại, thu gom và xử lý rác thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp để ủ thành phân hữu cơ, sử dụng cho vườn rau của mình.
Thành phần chủ yếu trong rác thải sinh hoạt (thức ăn thừa, rau củ quả, xác động vật, lá cây…) là rác hữu cơ, dễ phân hủy. Rác hữu cơ sau khi được phân loại cùng với phế phụ phẩm nông nghiệp thu gom về, được ủ trong các thùng chuyên dùng. Sau từ 45 - 50 ngày ủ, rác chuyển thành phân có thể dùng để bón lót trước khi trồng rau với liều lượng 50 kg phân/500 m2. Trong quá trình chăm sóc rau ăn lá, dịch rỉ thu được trong quá trình ủ được pha loãng với nước theo tỉ lệ 1:50 tưới cho rau định kỳ 5 - 7 ngày/lần.
Bà Nguyễn Thị Tùng bên vườn rau được bón phân hữu cơ ủ từ rác hữu cơ và phế phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: THÀNH NGUYỄN
Bà Nguyễn Thị Tùng, thành viên HTXNN Thuận Nghĩa, cho hay: Phân hữu cơ ủ từ phế phụ phẩm giúp cây rau sinh trưởng phát triển tốt, hầu như không bị sâu bệnh hại. Sau 25 ngày gieo trồng, cây cải đạt chiều cao 20 - 22 cm, có 10 - 12 lá. Cùng với việc không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, việc tận dụng rác thải làm phân hữu cơ góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, được người tiêu dùng ủng hộ.
Kỹ sư Nguyễn Cường, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) cho biết: Việc bà con nông dân ủ rác thải thành phân để dùng trong quá trình sản xuất rau rất phù hợp với xu hướng thân thiện với môi trường, điều kiện địa phương. Phân hữu cơ và dịch rỉ từ quá trình ủ có đầy đủ chất dinh dưỡng và hệ vi sinh vật có lợi, giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh và bảo vệ sức khỏe con người, từ đó giúp nông dân tạo ra sản phẩm rau an toàn, tiết kiệm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường.
Việc trồng rau liên tục trên cùng một chân đất và thói quen canh tác chủ yếu sử dụng phân bón vô cơ, ít dùng phân bón hữu cơ đã dẫn đến tình trạng đất bị thoái hóa, bạc màu, khiến năng suất và chất lượng rau giảm, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả canh tác. Vì vậy, việc sản xuất rau hữu cơ từ rác thải hữu cơ và phế phụ phẩm nông nghiệp là hướng đi bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường.
THÀNH NGUYÊN