Quản lý, giám sát chặt mỏ đất, cát làm vật liệu san lấp
Ðể hoạt động khai thác đất, cát làm vật liệu san lấp phục vụ thi công các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đi vào quy củ, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát; nhất là khâu hậu kiểm sau khi cấp phép.
Đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm và các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Những công trình này cần khối lượng rất lớn đất, cát phục vụ quá trình san lấp, thi công.
Đến nay, UBND tỉnh đã cấp 35 giấy phép khai thác (GPKT) đất với tổng trữ lượng 11,2 triệu m3 phục vụ thi công các công trình trọng điểm và các công trình sử dụng vốn ngân sách tỉnh. Hiện nay, 14 giấy phép đã hết hạn, Sở TN&MT đã thông báo yêu cầu đóng cửa mỏ theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, Sở TN&MT chủ trì, tham mưu UBND tỉnh cấp 16 GPKT đất với trữ lượng 6,6 triệu m3 để phục vụ các công trình sử dụng vốn ngân sách cấp huyện và cấp xã.
Về cát vật liệu xây dựng, UBND tỉnh đã cấp, gia hạn 12 GPKT, với tổng khối lượng 508.590 m3 để phục vụ thi công Dự án đường ven biển Cát Tiến - Diêm Vân. Đối với các công trình như Dự án đường ven biển (ĐT 639) đoạn từ QL 1D đến QL 19 mới; Dự án Đập dâng Phú Phong; Dự án hệ thống thủy lợi Tân An - Đập Đá… UBND tỉnh cũng đã cấp GPKT cát tại khu vực sông kôn và khu vực Đập dâng Phú Phong (thuộc huyện Tây Sơn) để phục vụ thi công.
Tuy nhiên, các quy định, thủ tục pháp luật liên quan về cấp phép khai thác mỏ đất, cát mất rất nhiều thời gian; ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công công trình. Trước thực trạng này, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành chức năng liên quan tham mưu, đề xuất để tỉnh cấp phép khai thác một số mỏ khoáng sản nhằm đảm bảo nguồn vật liệu san lấp (VLSL), đẩy nhanh tiến độ thi công.
Theo ông Trương Bá Vinh, Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT), thời gian qua, tất cả khu vực mỏ VLSL phục vụ công trình, dự án trọng điểm, sử dụng vốn ngân sách nhà nước của tỉnh do các ban quản lý dự án làm chủ đầu tư đề xuất đều được UBND tỉnh thống nhất cấp phép. UBND tỉnh cũng giao các ngành chức năng chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện để các đơn vị thi công sớm hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ thi công; góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình, giải ngân vốn theo kế hoạch.
UBND tỉnh siết chặt kiểm tra, giám sát để đưa hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp vào quy củ.
- Trong ảnh: Khai thác đất san lấp tại mỏ vật liệu khoáng sản thuộc phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn). Ảnh: V.L
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Bên cạnh tạo điều kiện cấp GPKT, UBND tỉnh cũng chú trọng công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động khai thác tại các mỏ đất, cát làm VLSL phục vụ các dự án trọng điểm, công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tháng 9.2023 vừa qua, UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra thực địa tình hình hoạt động khai thác khoáng sản tại địa bàn TX An Nhơn, Hoài Nhơn và huyện Tây Sơn, Vân Canh.
Qua kiểm tra, UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị, DN hoạt động khai thác khoáng sản khắc phục những thiếu sót, vi phạm; nếu chây ỳ sẽ xử lý kiên quyết theo quy định pháp luật.
Các ban quản lý dự án của tỉnh (chủ đầu tư) triển khai bắt buộc hệ thống kiểm soát khối lượng khai thác, lắp đặt camera, thiết bị quẹt thẻ xe ra vào khu vực khai thác và xe vận chuyển khoáng sản làm vật liệu thi công công trình. Đảm bảo việc sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đúng theo mục đích phục vụ thi công công trình, dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận.
Bên cạnh đó, các công ty, DN được cấp phép khai thác mỏ khoáng sản phải nghiêm túc thực hiện việc khai thác theo giấy phép. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; hạn chế ảnh hưởng đời sống người dân. Gắn bảng thông báo tại khu vực khai thác nhằm công khai thông tin GPKT để các ngành chức năng, chính quyền và người dân theo dõi, giám sát.
Ngoài ra, lực lượng CA phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng liên quan kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường tại các khu vực mỏ. Điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép.
Ông Nguyễn Văn Rô, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Hoài Ân, cho hay: Phòng đã tham mưu UBND huyện thành lập tổ kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn nhằm phát hiện kịp thời, có biện pháp ngăn chặn từ xa và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp khai thác khoáng sản không đúng quy định. Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân bao che hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
VĂN LỰC