Tăng thu nhập nhờ trồng cây xen canh
Để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất trồng cây ăn quả lâu năm, nhiều hộ dân ở huyện An Lão đã trồng xen canh cây ngắn ngày, lấy ngắn nuôi dài. Đây là cách làm giúp bà con có thêm thu nhập.
Gia đình ông Trần Chanh, ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân, đã lựa chọn trồng xen canh cây ăn quả ngắn ngày như chuối, dứa và các loại cây trồng hằng năm như mì, rau ăn lá xen canh dưới 2 ha bưởi da xanh để “lấy ngắn nuôi dài”. Ông Chanh cho biết: Năm 2017, gia đình tôi lựa chọn phát triển diện tích bưởi da xanh thay thế cho diện tích trồng keo hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, trồng bưởi phải sau 4 - 5 năm mới cho thu hoạch. Để lấy nguồn kinh phí duy trì sản xuất và sinh hoạt, gia đình đã lựa chọn mô hình xen canh cây ngắn ngày vào vườn bưởi. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp địa phương và tìm hiểu qua truyền thông, gia đình tôi đã trồng xen canh hơn 100 cây chuối, 300 gốc dứa, 1.000 cây mì và rau ăn lá cho hiệu quả kinh tế ổn định. Với 500 cây bưởi da xanh, mỗi năm gia đình thu về trên dưới 100 triệu đồng, còn cây dứa, chuối, mì cho thu nhập thường xuyên mỗi tháng khoảng hơn 5 triệu đồng.
Ông Trần Chanh có thêm thu nhập nhờ mạnh dạn chuyển đổi, xen canh cây dứa trong vườn bưởi da xanh. Ảnh: D.T.D
Từ hiệu quả thực tế, nhiều hộ dân trong huyện cũng trồng xen canh nghệ, sả, gừng… dưới tán cây bưởi da xanh, cam, quýt đường.
Ông Lê Hoàng Hiền, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện An Lão, cho biết: Huyện có gần 150 ha cây ăn quả thì khoảng 70% áp dụng biện pháp xen canh. Mô hình này không mới nhưng mang lại hiệu quả cao, tăng thêm nguồn thu cho nông dân, góp phần tạo độ phì cho đất, giúp cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, giúp người dân sản xuất tự tin và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện.
DIỆP THỊ DIỆU