Thầy bảo vệ
Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG
LTS: Dân tộc Việt Nam chúng ta là một dân tộc có truyền thống trọng học. Trải qua biết bao thăng trầm và ngay cả khi có rất nhiều mối bận tâm về nhà giáo, nghề giáo như hôm nay thì vị trí của người thầy vẫn không hề suy xuyển. Báo Bình Định dành trang Sáng tác kỳ này để cùng với cả cộng đồng, thêm một lần nữa khẳng định điều ấy.
Những tác phẩm dưới đây đặt người thầy và nghề dạy học trong nhiều góc nhìn khác nhau; các tác giả có người chính là nhà giáo đang đứng trên bục giảng, có người đã bước qua quãng đời này và đang nhìn ngắm lại, có người tha thiết với ước mơ không thành - được đi dạy học, số còn lại đang làm nhiều công việc khác nhau, độ tuổi của họ cũng khác nhau,nhưng điểm chung là tất cả đều trân trọng nghề giáo - nhà giáo.
Xin cảm ơn các thầy cô bền bỉ với sự nghiệp trồng người! Trân trọng!
Sáng hôm ấy tụi nhỏ vội ùa vào sân trường khi tiếng trống vang lên. Có đứa chẳng kịp dắt xe vào lán, dựng đổ chổng kềnh ngay dưới gốc bàng già. Phải đến tận giờ tan trường chúng mới nhận ra có điều gì khác lạ khi sân trường sạch bong không còn đám lá khô nào kêu loạt xoạt dưới chân. Xe đạp dựng lộn xộn trong lán đã được xếp ngay ngắn có hàng có lối. Mấy chậu hoa héo que héo quắt hôm nay được tưới nước tươi tắn lạ thường.
Thằng Hùng chợt “a!” lên khi phát hiện ra sự việc lạ trong trường. “Các cậu ơi, trường mình có bác bảo vệ mới về rồi”. Bước ra từ căn phòng bảo vệ đã được mở cửa sau nhiều ngày đóng kín, ông Thuận đáp lại cái nhìn tò mò của lũ trẻ bằng nụ cười hiền hậu. “Đi về cẩn thận nhé các cháu. Đừng la cà mà bố mẹ đợi cơm”. Tụi nhỏ ngoan ngoãn cúi chào ông bảo vệ. Có đứa còn kịp mách “cháu nhìn thấy con rắn ở bồn hoa trông sợ lắm ông ơi. Bọn cháu ném, nó tuồn qua cái lỗ hổng ở góc tường. Liệu nó có quay lại không ông?”. Rồi tụi nhỏ nhao nhao chẳng đứa nào chịu nghe đứa nào, cho đến khi sân trường thưa vắng chúng mới chịu tản ra lóc cóc đạp xe về.
Chiều đó ông bảo vệ xuất hiện trong câu chuyện mà tụi nhỏ kể vào bữa cơm cuối ngày. Thằng Hùng kể: “Ông già như ông ngoại nhà mình. Chân ông đi đôi dép rọ bộ đội. Ông cười hiền ơi là hiền. Hình như ông có nuôi một con mèo. Lúc nhìn thấy tụi con, nhóc mèo chạy tọt vào gầm giường mẹ ạ”. Cái Thương thì hỏi mẹ: “Không biết ông bảo vệ mới có giỏi võ như chú bảo vệ cũ không mẹ nhỉ?”. Ông bảo vệ thì không biết võ, nhưng lại biết làm đèn lồng, con trâu bằng lá mít, xe bọ xít chạy băng băng khiến lũ trẻ thích mê. Giờ ra chơi chúng bớt nô đùa nghịch ngợm mà rủ nhau đi tìm ông bảo vệ nhờ gập đồng hồ, cuộn kèn bằng lá thổi te te. “Ông bảo vệ còn biết nấu ăn ngon lắm mẹ ơi. Thỉnh thoảng ông dúi cho tụi con nắm lạc rang tỏi ớt, thanh kẹo lạc tự làm, giòn ngon xuất sắc”. Lúc ngồi sau xe, bé Thương không ngừng kể với mẹ về ông bảo vệ cái gì cũng biết.
Tranh của họa sĩ VŨ DUY VĨNH
Nhưng có một điều tụi nhỏ không biết…
Sáng đó lớp Hùng háo hức đón cô giáo chủ nhiệm mới về trường. Cô Phượng mặc áo hoa đỏ, đi giày đỏ, trẻ và xinh lắm. Giờ Tiếng Việt nghe giọng cô trầm ấm đọc thơ mà tụi nhỏ thích mê. Cô chẳng mắng chẳng đe mà đứa nào cũng ngồi ngoan nghe giảng. Cô nói bạn nào ngoan cuối tuần sẽ được tặng quà. Quà của cô có khi chỉ là sticker ngộ nghĩnh, vài viên kẹo nhỏ mà đứa nào cũng quyết tâm phấn đấu nắn nót từng nét chữ nết người. Giờ ra chơi tụi nhỏ ít quấy rầy ông bảo vệ hơn bởi còn bận cùng cô quay clip. Mỗi tuần một chủ đề mới mẻ, clip quay xong được gửi cho bố mẹ cùng xem. Tuần đầu tiên cô bảo “mỗi em hãy nói lời cảm ơn đến bố mẹ của mình”. Tưởng dễ thế thôi mà đứa thì rụt rè, đứa rưng rưng xúc động. Lúc Hưng nói “con cảm ơn bố mẹ đã sinh ra và nuôi con khôn lớn. Cảm ơn bố mẹ lo cho con từng cái áo cái quần” tự dưng thằng nhỏ khóc. Cô giáo ôm lấy Hưng, xoa xoa tấm lưng nhỏ vỗ về. Bạn Nhài “cảm ơn mẹ đã nấu những món ngon trong căn bếp chật chội nhà mình”. Bạn Phong “cảm ơn bà đã bao bọc, thương yêu con khi bố mẹ không còn”. Cả lớp lặng người vì thương bạn. Có tuần chủ đề là “hãy nói về công việc của bố mẹ em”. Lại có tuần cô giáo để học trò say sưa kể về ước mơ trong tương lai. Bạn thì ước lớn lên làm youtuber. Bạn ước lớn lên làm lính cứu hỏa. Bạn ước lớn lên làm bác sĩ cứu người. Cả lớp cười ngặt nghẽo khi bạn Phong thích ăn bim bim nên ước mơ lớn lên mở một công ty chuyên sản xuất bim bim. Cô dịu dàng với mọi ước mơ của tất cả học trò.
Một hôm, khi tiếng trống tan trường vang lên, học sinh ùa ra như bầy ong vỡ tổ. Trong lúc nhốn nháo, chen chúc nhau ngoài cổng trường, tụi Hùng bỗng ngơ ngác khi thấy cô giáo chủ nhiệm cúi đầu chào ông bảo vệ. “Em chào thầy ạ”. Tụi nhỏ hỏi nhau sao cô giáo lại gọi ông bảo vệ là thầy? Có khi nào ông bảo vệ cũng từng làm thầy giáo? Làm sao mà biết được. Sáng mai đến lớp hỏi cô thì sẽ biết thôi mà.
Cô mỉm cười nhìn những đôi mắt tròn xoe đang hướng về mình chờ đợi một câu trả lời. Cô bảo cả lớp ngồi ngay ngắn vào chỗ và bắt đầu kể về cuộc đời ông bảo vệ.
- Bác bảo vệ từng là hiệu trưởng ở trường mình đấy các em à. Cô vẫn thường gọi thầy là “thầy Hải”. Khi ấy cô cũng chỉ là một cô học trò bé nhỏ như các em bây giờ. Cô nhớ ngày đó trường mình còn lụp xụp lắm. Ngày nắng thì còn đỡ chứ ngày mưa lớp dột tứ tung. Sau giờ lên lớp, thầy Hải vẫn hay bắc thang lên lợp lái mái, che đậy cho đỡ dột. Hai hàng cây xà cừ và phượng đỏ quanh sân trường mình bây giờ cũng một tay thầy Hải trồng đấy các em.
- Thầy dạy trường mình có lâu không hả cô?
- Lúc cô ra trường thì thầy vẫn còn làm hiệu trưởng. Mãi sau này cô mới biết thầy chuyển công tác đi nơi khác.
- Nhưng thưa cô, sao bây giờ thầy lại làm bảo vệ?
Câu hỏi của học trò khiến cô giáo băn khoăn. Bởi câu hỏi ấy cũng từng cất lên trong tâm trí chính cô mà từ hôm thầy Hải chuyển về cô chưa có thời gian trò chuyện được nhiều. Chiều ấy cô Phượng nán lại, chờ cho học trò về hết và tiếng chổi quét sân của thầy đã ngưng. Đứng từ xa nhìn dáng thầy khom lưng tưới nước cho cây, cô chợt thấy mình như bé lại. Như cô trò nhỏ năm nào vừa dắt chiếc xe đạp cọc cạch, tuột xích vừa mếu máo. Thầy bảo trò ngồi xuống dưới bóng cây cho mát rồi loay hoay sửa xe đạp giữa buổi trưa hè. Xe sửa xong mồ hôi đẫm lưng áo, thầy cười bảo: “Xe khô dầu quá. Em đạp tạm về nhà bảo bố mẹ tra dầu. Nếu nhà không có dầu, thì ngày mai đến trường thầy sẽ chữa cho”. Sáng hôm sau cô trò nhỏ xúc động khi thấy thầy đã cầm sẵn chai dầu tra lần lượt cho tất cả những chiếc xe khô xích của trò. Có những hôm xe hỏng phải dậy sớm đi bộ đến trường, lần nào gặp thầy cũng bảo “em lên đây thầy đèo”. Tất cả như thước phim quay chậm hiện ra trước mắt cô. Ấy vậy mà gần ba mươi năm đã trôi qua.
Rót chén trà nóng đẩy về phía học trò, thầy hỏi:
- Cuộc sống của em có tốt không? Thầy nghe nói em tốt nghiệp đại học, ra trường đi dạy hợp đồng mấy năm giờ mới biên chế về đây.
- Dạ thầy. Được theo nghề giáo đã là điều hạnh phúc đối với em. Hồi ấy có lần về thăm trường, mọi người nói thầy đã chuyển đi. Nhưng khi hỏi thầy chuyển về trường nào thì không ai rõ cả.
- Năm ấy… gia đình thầy gặp nhiều biến cố. Thầy xin ra khỏi ngành theo gia đình vào Tây Nguyên làm kinh tế. Suốt những năm tháng ấy thầy không khi nào thôi đau đáu nghĩ về bục giảng. Có những buổi trưa nhìn cái nắng lấp lóa trên tán cây cà phê, thầy như thấy ánh mắt, nụ cười của từng em học trò tinh nghịch hiện ra. Nhiều đêm, khi mọi người đã yên giấc thầy thường ngồi một mình ôn lại chuyện xưa. Thầy luôn tự hỏi những lớp học trò của mình giờ ra sao? Các em có đứa nào theo đuổi ước mơ từ thuở bé? Cuộc sống khó khăn liệu có đứa nào phải bỏ học giữa chừng? Có đứa nào còn nhớ đến thầy và mái trường xưa? Có đứa nào cầm phấn trên bục giảng?
- Có phải cũng vì thế mà bây giờ thầy trở lại làm việc trong trường không ạ?
- Mấy năm trước thầy trở lại quê hương. Cả đời vất vả mưu sinh, nên các con chỉ muốn lúc về già thầy được an nhàn. Nhưng các cháu đã lớn, quanh quẩn ở nhà mãi cũng buồn. Mà kể cũng lạ, càng về già thầy càng thấy nhớ trường. Đúng lúc bảo vệ cũ của trường thôi việc nên thầy đã xin vào đây làm. Hằng ngày được tiếp xúc với bầy trẻ nghịch ngợm, hồn nhiên thầy như thấy mình đang trẻ lại.
Từ hôm ấy vài đứa trong số tụi nhỏ thấy không nên gọi là “ông bảo vệ” như mọi bận. Hội thằng Hùng, cái Phượng kéo theo cả lớp tranh luận mãi nên gọi ông bảo vệ là gì. Cuộc tranh luận có vẻ xôm tụ ồn ào lắm.
- Ông bảo vệ là thầy của cô giáo mình. Thế thì mình phải gọi là thầy.
- Nhưng ông bảo vệ giờ đâu có làm thầy giáo nữa. Ông bảo vệ đang làm bảo vệ mà.
- Tốt nhất là hỏi cô giáo xem nên gọi là gì?
- Phải hỏi ông bảo vệ mới đúng, xem ông thích được gọi là gì?
- Không cần phải hỏi. Theo tớ thì cứ kết hợp cả hai nghề với nhau mà gọi.
- Đúng! Đúng! Hợp lý đấy. Nhưng thế thì phải gọi thế nào?
- Thì cứ gọi là thầy bảo vệ, thế là xong.
Thế là cái tên “thầy bảo vệ” ra đời. Đứa nào đi qua cổng trường cũng dõng dạc: “Em chào thầy bảo vệ ạ”. Vẫn nụ cười hiền từ người bảo vệ già hằng ngày chăm chút cho ngôi trường thêm xanh, sạch, đẹp. Lũ nhỏ vẫn xúm lại nhờ thầy bảo vệ dạy gấp con nghé ọ, gập kèn, làm đồng hồ bằng lá. Thỉnh thoảng chúng quây quanh, ngồi ngoan ngoãn nghe kể chuyện về những bạn nhỏ ở một vùng quê nghèo nào đó mà thầy đã đi qua. Thầy kể chuyện về loài vật rất hay. Về loại mọt tìm đường về nhà trong thớ gỗ. Về loài kiến mở đường trên những thân cây. Về loài chim đi tìm đường chân trời mải miết. Lũ trẻ có thêm một người thầy đặc biệt dạy cho chúng những bài học không có trong sách vở. Người bảo vệ già được sống lại những năm tháng còn đứng trên bục giảng nhìn những đôi mắt tròn xoe lật mở thế giới trong từng trang sách nhỏ…