Cô Hoan
Tản văn của NGUYỄN BÁ THUYẾT
Đã vào tiết đông. Cơn gió lạnh xuyên đêm len vào lòng làm tôi chợt nhớ về lớp học năm nao ở cái thời chiến tranh vừa kết thúc. Sắp đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi nhớ về cô Hoan, cô giáo dạy bộ môn Lịch sử những năm tôi học cấp ba. Từ hồi nhỏ xíu đến tận bây giờ, hơn 60 tuổi, tôi luôn tâm đắc một điều ai chỉ dạy cho mình nên người thì đó chính là thầy cô của mình. Với cô Hoan còn nhiều hơn thế…
Chiến tranh kết thúc ít lâu thì cô Hoan đến trường tôi nhận nhiệm sở. Cô thường búi tóc cao, đi dép xương đan màu nâu dành cho bộ đội nữ trông rất nền nếp, chững chạc. Hồi mới bước vào đầu năm lớp 8 (của hệ 10 năm), chúng tôi rất sợ những tiết học của cô Hoan bởi nhiều lý do, ví dụ lũ chúng tôi chẳng thể nhập tâm những con số, ngày tháng và những dòng sự kiện khô khan, bất kể cô luôn hiền, luôn nhẹ nhàng giải thích, phân tích, chỉ bày. Nhưng kết thúc những tiết học như thường thấy là đôi mắt cô đỏ hoe.
Cô bạn cùng bàn với tôi bảo rằng, nó không thích học Sử bởi cứ thấy sợ khi nhìn những vết sẹo trên mặt và nước da đen sạm của cô Hoan. Những vết sẹo khiến mặt cô teo tóp, nhăn nheo. Thằng bạn bàn sau đôi khi còn bắt chước nhại lại bàn tay đã mất đi mấy ngón tay của cô. Mỗi lần viết, cô thường phải kẹp chặt viên phấn vào kẽ ngón tay trông rất vất vả. Nhưng nét chữ của cô lại thanh thoát, đều đặn chân phương, rất đẹp. Gần hết học kỳ đầu trôi qua, cô cứ giảng bài, chúng tôi cứ mải mê làm việc riêng. Giữa cô và trò tồn tại một khoảng cách vô hình của hai thế hệ. Mối liên kết duy nhất giữa cô trò chúng tôi là nét chữ đẹp chân phương và đôi mắt đỏ hoe của cô khi hết tiết và rời lớp học.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN QUANG QUÝ
Cho đến một ngày, trường tổ chức tiết học ngoại khóa cho học sinh xem phim tài liệu “Việt Nam những năm tháng chống Mỹ cứu nước”. Những thước phim quý giá ấy đã làm rơi nước mắt của các cô cậu học trò, đã giúp chúng tôi hiểu và cảm nhận sâu sắc sự tàn khốc của chiến tranh. Trong thước phim ấy, có cả nụ cười và nước mắt của những chàng trai, cô gái trẻ măng trên mọi tuyến đường Trường Sơn, trên các trận địa đầy đạn bom khốc liệt chống quân thù. Họ phải tạm gác sách bút ở giảng đường đại học, gác mọi công việc, tạm biệt người thân ở quê hương lên đường vào tiền tuyến. Chúng tôi dần hiểu thêm những ngày tháng, số liệu không còn là dữ liệu khô khan mà đó là giá phải trả cho độc lập, thống nhất, là hòa bình của dân tộc, là biết bao hy sinh của thế hệ ông bà, cha mẹ trong đó có cả cô giáo Hoan của chúng tôi.
Rồi cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi kể cho chúng tôi biết thêm, cô Hoan từng là bộ đội Trường Sơn, bom đạn đã khắc lên khuôn mặt cô và nhiều đồng đội khác những vết thương và lấy đi những đốt ngón tay của cô ấy. Hòa bình lập lại, cô trở về tiếp tục theo đuổi ước mơ nơi giảng đường đại học. Ra trường, cô được ưu tiên lựa chọn nơi công tác và cô chọn trở về quê nhà; cô mong muốn đàn em nhỏ nơi quê hương yêu dấu sẽ thấu hiểu những trang sử hào hùng của dân tộc.
Một lần đến khu tập thể giáo viên thăm cô, chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những tấm ảnh thời thanh xuân đạn lửa của cô. Một cô gái trẻ trung, khuôn mặt trái xoan với nụ cười chiến thắng, đội mũ tai bèo, khoác mảnh dù, tay vẫy chào đoàn xe bộ đội đang lao nhanh ra mặt trận. Cô bảo đó là những năm đầu mới vào chiến trường. Không lâu sau đó thì cô bị sốt rét rừng cướp đi mái tóc đen mượt và làn da trắng hồng; bom đạn vô tình nào biết thương tiếc ai, cô cùng đồng đội nhiều lần bị bom địch truy diệt. Cuối năm 1972 thì cô bị thương nặng, bị bom xăng…
Rời chiến trường thì cũng là lúc chiến tranh kết thúc. Cô dừng câu chuyện và cô hát cho chúng tôi nghe một đoạn trong bài ca Tự nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh“… Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng/Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương/Nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm/Là người tôi sẽ chết cho quê hương…”. Ôi! Thầy tôi, cô giáo Hoan của chúng tôi hát sao mà mặn mà da diết, cô hát bằng cả trái tim của chính mình. Lần này, chính chúng tôi mới là những người con mắt đỏ hoe, nhiều đứa đưa tay lên gạt dòng nước mắt tuôn trên gò má.
…Hôm nay thầy tôi - cô Hoan đã bước sang tuổi tám mươi, tôi viết những dòng này gửi về cô thay lời chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, cảm ơn vì đã gieo lý tưởng sống cao đẹp vào tâm hồn lứa chúng tôi. Tôi thấy mình rất may mắn khi được làm học trò của cô. Và trong chúng tôi, thầy cô của những năm tháng ấy và đặc biệt là cô Hoan mãi mãi ở lại với tuổi thanh xuân.