Khi một nhà có nhiều cô giáo!
Ở những gia đình có mẹ con, chị em cùng gắn bó với nghề giáo, ngoài đồng hành trong cuộc sống, họ còn chia sẻ tình yêu, tâm huyết với nghề.
Truyền tình yêu nghề giáo
30 năm gắn bó với nghề giáo, bà Đoàn Thị Hoài Hương (SN 1970, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn; hiện là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học) xem mái trường, bục giảng, học trò như máu thịt. Khi nghe cô con gái ngỏ ý nối nghiệp, bà Hương đồng ý ngay.
Chị Hương dìu dắt con gái từ những buổi thực tập sư phạm đầu tiên. Ảnh: NVCC
Bà chia sẻ: “Đại gia đình của tôi có truyền thống làm nghề giáo. Mỗi gia đình nhỏ đều có ít nhất một thành viên gắn bó với bục giảng. Tình yêu nghề vừa là nếp sống, vừa là mối duyên được truyền từ đời ông bà sang con cháu, từ anh chị lan tỏa đến các em nhỏ”.
Thừa hưởng truyền thống ấy, con gái bà Hương là chị Võ Thị Thạch Thảo (SN 1996) đã chọn học ngành sư phạm, hiện là giáo viên Toán tại Trường THPT Trưng Vương. Chị Thảo bật mí: “Từ nhỏ, hình ảnh cô giáo với tôi rất gần gũi và đẹp đẽ, khiến tôi ấp ủ mong ước trở thành đồng nghiệp của mẹ. Đến nay, khi trải qua nhiều trải nghiệm trong việc dạy học, tôi càng yêu nghề và thực sự hiểu mẹ đã nỗ lực đến nhường nào”.
Hiểu rõ nỗi vất vả khi làm “người đưa đò”, tuy nhiên, niềm hạnh phúc khi học trò dần trưởng thành lại là quả ngọt không gì sánh bằng. Vậy nên, không ít giáo viên vẫn định hướng người thân cùng theo nghề.
Chị em Thu (trái) - Như (phải) hướng dẫn trẻ tạo hình con vật ngộ nghĩnh trong tiết học tạo hình. Ảnh: D.L
Vừa là chị lớn thân thiết, vừa là người đi trước, chị Nguyễn Thị Lệ Thu (SN 1990, ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) gợi ý em gái Nguyễn Thị Quỳnh Như (SN 1998) cân nhắc làm giáo viên mầm non. Ban đầu, Như e ngại vì sợ mình không đủ đam mê, năng lực gắn bó với nghề. Tuy nhiên, thấy chị gái say mê, chăm chỉ; ngày trông trẻ ở trường, tối lại nhận kèm trẻ rèn chữ đẹp, đến mức mất giọng vẫn tươi cười rạng rỡ với học trò, Như mới hiểu và thêm quyết tâm, mạnh dạn bước vào môi trường giáo dục. Từ cuối năm 2019, hai chị em Thu - Như cùng công tác tại Trường Mầm non Mái Nhà Xanh (TP Quy Nhơn).
“Hằng ngày, thay vì than phiền những mỏi mệt trong công việc, chị Thu lại kể về niềm vui khi đứng lớp, về sự tiến bộ của trẻ. Tôi cứ thế lắng nghe rồi bị cuốn theo lúc nào chẳng hay. Có lẽ đó chính là con đường dẫn tôi đến với nghề thiêng liêng này”, Như tâm sự.
Động viên nhau cùng cố gắng
Là người thân, lại cùng công tác trong một lĩnh vực giúp các thành viên dễ thấu hiểu và chia sẻ với nhau hơn. Hiểu rõ tính cách và thế mạnh của con gái, bà Hương dìu dắt con từ những năm tháng chập chững học cách soạn giáo án, giảng bài sao cho súc tích, hấp dẫn, thu hút học trò. Những đêm mẹ hướng dẫn con nghiên cứu tài liệu, tìm kiếm bài giảng trên sách, internet, truyền dạy những kỹ năng mềm hay lời dặn dò “học hỏi là cách tốt nhất để tiến bộ” vẫn văng vẳng bên tai chị Thảo. Đến khi chính thức đứng lớp và gặp một số tình huống trong quá trình giảng dạy, chị vẫn tìm đến mẹ nhờ tư vấn.
Chị Thảo trải lòng: “Ngoài thuận lợi khi có mẹ là tiền bối trong nghề, tôi cũng tự dặn bản thân mình phải cố gắng hết sức để tiến bộ từng ngày. Đây cũng là điều mà mẹ luôn nhắc nhở để tôi tránh lệ thuộc và giữ vững tinh thần, làm tròn trách nhiệm của người theo nghề giáo”.
Tương tự, vì có 13 năm kinh nghiệm chăm sóc trẻ, chị Thu đã tỉ mỉ hướng dẫn em gái Quỳnh Như cách tiếp cận, làm quen, hướng dẫn trẻ chú ý, tham gia các giờ học tại lớp. Chẳng hạn, với những trẻ không hòa nhập, không vui khi đến trường, cần hỏi thăm nhẹ nhàng, tìm hiểu mong muốn, sở thích của trẻ để liên hệ phụ huynh cùng giải quyết. Hoặc khi gặp những trẻ hiếu động, dễ làm bản thân và bạn cùng lớp xây xát, cần dặn dò và đặc biệt quan tâm ngay từ khi trẻ mới bước vào lớp…
Chị Thu tâm sự: “Làm giáo viên mầm non, cốt lõi là cần yêu trẻ và kiên trì. Hơn nữa, vì trẻ ở giai đoạn này sẽ “bắt chước” những lời nói, hành động của người lớn nên tôi hay dặn Như dù buồn bực tới đâu thì khi vào lớp phải luôn rạng rỡ, tập trung hết sức để đồng hành cùng trẻ suốt ngày dài. Như vậy mới xứng đáng là “cô giáo như mẹ hiền”!”.
DƯƠNG LINH