Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023: Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) cho hay, tình hình nhiễm HIV/AIDS ở Bình Ðịnh có chiều hướng gia tăng, thay đổi về đối tượng nhiễm… đòi hỏi những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết, từ trường hợp đầu tiên phát hiện nhiễm HIV vào tháng 9.1993, đến nay toàn tỉnh đã có 1.337 người nhiễm HIV; trong đó 721 trường hợp chuyển sang AIDS và 554 trường hợp tử vong do HIV/AIDS.
● Đánh giá cơ bản, đến nay tỉnh Bình Định đã đạt được những kết quả nào trong mục tiêu 95 - 95 - 95, thưa ông?
- Để đạt được mục tiêu 95 - 95 - 95, chúng ta phải tăng tỷ lệ số người biết tình trạng nhiễm HIV của mình từ 90% trở lên; tăng tỷ lệ người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV) từ 90% trở lên; tăng tỷ lệ người điều trị ARV được làm xét nghiệm tải lượng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng đạt từ 90% trở lên; 100% bệnh nhân tham gia điều trị ARV có thẻ BHYT và được tỉnh hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Đến nay, tỉnh đã thực hiện các chỉ tiêu trên ở mức 90 - 85 - 90.
Thực hiện công tác giám sát, xét nghiệm để đạt các mục tiêu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: CDC Bình Định
Bình Định đã và đang triển khai nhiều hoạt động như thường xuyên giám sát, xét nghiệm phát hiện HIV; can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, trong đó có điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; điều trị thuốc ARV, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, thực hiện hoạt động chương trình phòng chống lao và HIV. Trung bình xét nghiệm giám sát phát hiện HIV thực hiện trên 30.000 mẫu máu/năm, trong đó hơn 15.000 mẫu được sàng lọc HIV trước khi truyền. Hiện có 441 bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị ARV, có thẻ BHYT và được tỉnh hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV.
● Tuy nhiên, như ông nói ở trên, số người nhiễm HIV/ADS hiện có chiều hướng gia tăng, xu hướng nhiễm HIV/AIDS cũng đã thay đổi?
- Số ca nhiễm HIV/AIDS của tỉnh có chiều hướng tăng từ năm 2018 - 2023 với tỷ lệ nhiễm chiếm 44,88% so với số tích lũy 31 năm qua (1993 - 2023), nói cách khác là trong 5 năm gần đây số lượng người nhiễm HIV/AIDS cao hơn tổng thời gian trước đó rất nhiều; đặc biệt người nhiễm HIV/AIDS cũng trẻ hóa khi nhóm tuổi lao động chính từ 20 - 39 chiếm tỷ lệ cao nhất - hơn 69,6%.
Mặt khác, có sự thay đổi về nhóm đối tượng nhiễm bệnh khi nhóm nghiện chích ma túy và người hành nghề mại dâm giảm đáng kể; ngược lại nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) gia tăng. Từ năm 2019 đến nay đã có 68 trường hợp nhiễm trong nhóm MSM (chiếm 94,44% so với trường hợp nhiễm HIV ở nhóm này tích lũy từ năm 1993), riêng năm 2023 phát hiện 21 trường hợp (chiếm 23,6% ca nhiễm HIV).
Trong khi đó, công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) sử dụng thuốc ARV chưa triển khai, chủ yếu do chưa thành lập được nhóm đồng đẳng viên vận động đối tượng MSM trong cộng đồng vì không có cơ chế chi hỗ trợ thành lập nhóm, nguồn thuốc dự phòng không có thanh toán BHYT, các cơ sở y tế tư nhân chưa tham gia. Từ năm 2024, tỉnh sẽ được dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ triển khai hoạt động này, để góp phần ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong các nhóm đối tượng nguy cơ cao, trong đó có nhóm MSM.
● Cùng với xu hướng gia tăng thì công tác phòng, chống HIV/AIDS đang phải đối mặt với những thách thức nào để thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, theo Quyết định 1468/QĐ-TTg ngày 14.8.2023 của Thủ tướng Chính phủ?
- Hiện chương trình phòng chống AIDS không còn là chương trình mục tiêu, trong khi Chiến lược quốc gia đặt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là thách thức rất lớn cho ngành y tế. Kinh phí đầu tư cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, không có nội dung và định mức chi đặc thù cho các hoạt động, vì vậy triển khai hoạt động rất khó khăn.
Ngoài ra, nhu cầu can thiệp dự phòng nhiễm HIV/AIDS là rất lớn nhưng thực tế chưa đáp ứng được; hệ thống chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS yếu và thiếu ổn định, lực lượng chuyên trách tuyến huyện, xã còn mỏng.
Sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng khiến người nhiễm HIV giấu bệnh, không hợp tác; một số bệnh nhân không thông báo tình trạng nhiễm HIV cho bạn tình, vợ/chồng để làm xét nghiệm phát hiện sớm… gây khó khăn cho công tác giám sát ca bệnh, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS dẫn đến nguy cơ tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng.
● Vậy, tỉnh có giải pháp nào để hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030?
- Để chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Bình Định sẽ tập trung nâng cao tỷ lệ số người biết tình trạng nhiễm HIV của mình đạt 95%; tăng tỷ lệ người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV đạt 95% trở lên; tăng tỷ lệ người điều trị ARV được làm xét nghiệm tải lượng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng đạt 95%.
Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền và phối hợp liên ngành triển khai hiệu quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, đa dạng hóa loại hình tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Củng cố và kiện toàn bộ máy làm công tác phòng, chống HIV/AIDS các cấp đủ số lượng, đảm bảo chất lượng; xây dựng hệ thống giám sát và điều trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm kịp thời đánh giá, kiểm soát tình hình dịch, thực hiện tốt công tác tư vấn, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS…
● Cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)