Miệt mài dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
Nhiều năm qua, cô Nguyễn Thị Ngà (SN 1970), giáo viên Trường Tiểu học An Quang (xã An Quang, huyện An Lão) kiên trì áp dụng nhiều phương pháp nhằm giúp các em học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số tăng cường khả năng tiếng Việt, tạo tiền đề để có thể học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các dân tộc thiểu số. Cô Ngà chia sẻ: “Tôi muốn các em tiếp cận tiếng Việt một cách tự nhiên nhất”.
Giúp em vượt rào cản ngôn ngữ
Tôi đến thăm lớp học của cô Ngà vào một ngày trung tuần tháng 11.
15 cô cậu học trò lớp 1A đồng loạt đứng dậy, ngay ngắn. Theo hướng dẫn của lớp trưởng, cả lớp dõng dạc: “Chúng cháu chào cô vào lớp ạ”, rồi không quên nhoẻn miệng cười thân thiện. Tiết học trôi qua nhanh chóng trong không khí sôi nổi, nhiều em hăng say phát biểu, khiến tôi quên mất các em là người dân tộc thiểu số, vốn bản tính nhút nhát, e dè.
Các em học sinh lớp 1A hào hứng, hăng say trong tiết học của cô giáo Nguyễn Thị Ngà. Ảnh: H.T.Đ
● Vì sao cô gắn bó với vùng đất khó khăn này và quyết tâm làm điều gì đó cho các em học sinh dân tộc thiểu số?
- Tôi là người gốc Hưng Yên, nhưng lại có duyên với vùng đất Bình Định. Thời gian dài gắn bó với ngôi trường này, với hầu hết học sinh người dân tộc thiểu số, tôi nhìn thấy sự khó khăn của các em trong việc vượt qua rào cản ngôn ngữ, vì vậy, tôi dặn lòng phải nỗ lực đồng hành cùng các em. Về cơ bản, các em người dân tộc thiểu số đã thiệt thòi hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa ở đồng bằng, nên nếu được giáo dục đúng cách, các em sẽ có cơ hội khám phá và phát triển được nhiều kỹ năng ở bản thân.
Từ khi có đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” của Chính phủ, tôi đã mạnh dạn triển khai ngay tại lớp mình dạy. Lúc đầu, tôi cũng bị áp lực trong việc tìm phương án phù hợp, vì sợ rằng nếu làm sai cách, kết quả đem lại sẽ không như mong muốn. Nhiều năm nay phụ trách học sinh khối lớp 1, tôi thấy so với các khối lớp khác, kỹ năng tiếng Việt của các em yếu hơn. Do vậy, cần có hướng giảng dạy đúng và phù hợp để các em dễ dàng tiếp cận.
Lúc mới đi dạy tại trường, tôi đã không ít lần muốn bỏ cuộc vì điều kiện kinh tế, đường sá đi lại quá khó khăn và nhiều áp lực. Nhưng vì yêu trẻ con, yêu sự hồn nhiên của các em, và càng gắn bó, thấy sự thiệt thòi của các em, tôi như có thêm động lực để cố gắng mỗi ngày và nỗ lực nâng cao tiếng Việt cho các em.
Hơn 21 năm gắn bó với trường, mỗi lần nhìn thấy sự thay đổi và phát triển của từng thế hệ học trò, tôi càng yêu nghề. Hơn nữa, các phụ huynh học sinh đối với chúng tôi rất chân thành, tử tế và tôn trọng, điều này thôi thúc tôi càng cố gắng.
Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà tất cả những giáo viên tại trường đều mong muốn tạo ra một môi trường phát triển tốt cho các em. Thi thoảng có những em chưa tập trung, trả lời cô giáo bằng tiếng dân tộc của mình, những lúc như thế tôi tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn. Tôi nghĩ việc dạy và nâng cao tiếng Việt cho các em giống như việc tạo dáng cho một cây con, phải có sự nghiêm khắc nhưng cũng cần có sự mềm mỏng, dỗ dành để đồng hành một đoạn đường dài.
Đồng hành với học sinh
Ông Lý Trọng Chánh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Quang, nhận xét: Cô Ngà là một giáo viên tâm huyết với nghề. Ngoài trình độ chuyên môn tốt, cô còn cố gắng thấu hiểu tâm lý học sinh, tạo điều kiện giúp các em tiếp cận tiếng Việt một cách tự nhiên nhất qua đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.
● Khi triển khai đề án, cô đã thực hành giảng dạy ra sao để các em có sự thay đổi?
- Bắt đầu từ những tiết học trên lớp, tôi làm những sản phẩm gần gũi với đời sống của các em như cái gùi, giỏ nhốt gà, cái rựa… rồi đem vào thực tế bài giảng, hỏi các em những đồ vật này theo tiếng của các em đọc thế nào, rồi dịch ra tiếng Việt ra sao. Nhiều lần như vậy, các em hình thành thói quen, nhớ tiếng Việt lâu hơn.
Cô Nguyễn Thị Ngà tận tình hướng dẫn cho các học sinh để nâng cao tiếng Việt. Ảnh: H.T.Đ
Ngoài ra, tôi còn nhiều lần tìm đến nhà các em để tiếp cận và hiểu hơn về môi trường sống của học sinh mình. Không ít lần gặp phụ huynh các em, tôi đề nghị họ hạn chế sử dụng tiếng đồng bào khi giao tiếp với con, thay vào đó, nên thường xuyên sử dụng tiếng Việt. Có lúc, nhìn thấy những câu băng rôn, khẩu hiệu treo tại nhà văn hóa thôn, tôi dịch để các em đọc hiểu. Đi từ những thứ thân thuộc với đời sống hằng ngày, các em tiếp cận nhanh và dễ dàng hơn.
Để tăng hiệu quả, tôi tìm học thêm tiếng của các em, vì nghĩ nếu mình không rành thì làm sao có thể hiểu và dạy tốt cho các em. Bên cạnh đó, tôi còn áp dụng công nghệ thông tin để thiết kế bài giảng ấn tượng với hình ảnh sống động, gần gũi với các em hơn.
Lặp lại nhiều lần, tôi thấy các em bắt đầu tiến bộ. Thi thoảng thấy những món đồ lạ mắt, các em lên kể với tôi và hỏi tôi tiếng Việt có nghĩa là gì. Tôi thấy vui lắm. Tôi nghĩ điều này đã tạo sự thích thú cho các em.
● Trong quá trình đó, đâu là động lực để cô cố gắng nhiều hơn?
- Động lực lớn nhất có lẽ chính là sự tiến bộ của các em học sinh. Nhìn thấy sự tiến bộ từng ngày của các em, tôi vui lắm và mong rằng sẽ càng có nhiều em tiến bộ, tiếp cận được tiếng Việt một cách tự nhiên như thế.
Thêm nữa, hơn 10 năm trước tôi gặp tai nạn nên không di chuyển bằng xe máy được. Đằng sau mỗi giờ lên lớp là sự quan tâm từ phía gia đình và nhà trường. Ngoài sự hỗ trợ từ chồng, các thầy cô giáo trong trường đã tạo điều kiện đưa đón tôi. Không ít lần di chuyển đến nơi ở của học sinh, tôi luôn có những người đồng nghiệp thân thiện đồng hành. Đó là động lực lớn để tôi cố gắng hoàn thành tốt công việc.
Cần sự phối hợp từ nhiều phía
“Từ thời điểm tìm hiểu, ấp ủ cho đến lúc thực hiện đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, tôi hạnh phúc khi nhìn thấy sự phát triển rõ rệt của các em. Thấy các em phản xạ nhanh với tiếng Việt, hạn chế nói tiếng của dân tộc mình khi học trên lớp; thỉnh thoảng nghe phụ huynh kể lại rằng, các em nói tiếng Việt nhiều khi ở nhà, khoe lại những buổi học ở lớp, tôi vui đến lạ”, cô Ngà chia sẻ.
● Trong quá trình thực hiện đề án tại lớp học, cô còn điều gì trăn trở?
- Để các em được tiếp cận tiếng Việt một cách tự nhiên nhất, tôi nghĩ cần có sự phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh. Ngôn ngữ giao tiếp trong gia đình phần nhiều tác động và hình thành thói quen tư duy ngôn ngữ ở các em, do vậy phụ huynh cần hiểu rõ và tạo điều kiện để cùng con cố gắng.
Để việc tăng cường tiếng Việt cho các em một cách hiệu quả, chúng ta cần nhiều thời gian, sự nỗ lực, kiên trì trong từng bài giảng, kể cả trong cách giao tiếp với các em. Tôi và các thầy cô giáo khác sẽ luôn nỗ lực để duy trì và tăng cường tiếng Việt cho các em vùng dân tộc thiểu số, giúp các em làm quen và biết đọc, biết viết tiếng Việt thành thạo.
● Xin cảm ơn cô! Chúc cô luôn mạnh khỏe và đạt nhiều kết quả tốt hơn nữa trên chặng đường giúp học sinh người dân tộc thiểu số tiếp cận tiếng Việt một cách tự nhiên nhất.
Cô Nguyễn Thị Ngà là 1 trong 58 thầy cô giáo tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức, diễn ra ngày 20.11.
Cô Nguyễn Thị Ngà được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác từ năm 2016 - 2020; đạt danh hiệu Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh năm học 2016 - 2017…, và nhiều thành tích khác.
HỒ THỊ ĐIỂM (Thực hiện)