Nhân rộng sản phẩm OCOP chình mun Phù Mỹ
Từ năm 2023, sản phẩm chình mun Châu Trúc của xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ) được công nhận là sản phẩm OCOP. Đến nay, mô hình nuôi chình mun đã được nhân rộng lên nhiều hộ, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Để được công nhận sản phẩm OCOP, chình mun Châu Trúc đã khẳng định sự phù hợp khi là sản phẩm mang đặc trưng bản địa (chủ yếu phân bố trên đầm Châu Trúc, huyện Phù Mỹ), gắn với vùng đất, con người nơi đây. Từ những hộ nhỏ lẻ, đến nay mô hình nuôi cá chình đã phát triển lên quy mô vài chục hộ.
Để đạt hiệu quả như hiện tại, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) đã triển khai nhiều mô hình nuôi cá chình trong ao đất cho một số hộ ở xã Mỹ Thắng, Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ); gần đây nhất là tổ chức tập huấn kỹ thuật cho hơn 10 hộ sống ven đầm Châu Trúc.
Đồng hành cùng nông dân huyện Phù Mỹ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã chủ động cập nhật kỹ thuật, quy trình nuôi mới đối với các mô hình thí điểm, điển hình là hộ ông Nguyễn Phưởng (thôn 11, xã Mỹ Thắng) với diện tích ao nuôi khoảng 300 m2. Nhờ áp dụng KHKT và cập nhật kỹ thuật chăm sóc mới, hộ ông Phưởng thu hoạch được khoảng 50 triệu đồng khi kết thúc mô hình.
Ông Phưởng cho biết: “Nhận thấy phát triển mô hình nuôi cá chình có nhiều triển vọng, đem lại thu nhập khá, tôi tiếp tục mở rộng lên 2 ao nuôi, với diện tích 600 m2 và thả 1.000 con cá chình giống”.
Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: Chình mun Châu Trúc là sản vật địa phương có giá trị kinh tế cao, khẳng định vị thế trên thị trường. Phòng NN&PTNN huyện kết hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Hội Nông dân huyện luôn tạo điều kiện quan tâm đến kỹ thuật, con giống và đề xuất tổ chức các chương trình tập huấn để hỗ trợ tốt nhất cho các hộ nhân rộng mô hình, phát triển kinh tế gia đình và khẳng định giá trị sản phẩm OCOP.
HỒ THỊ ĐIỂM