Giá gạo tăng, hoạt động sản xuất sản phẩm từ gạo bị ảnh hưởng
Từ tháng 10 đến nay, thị trường gạo có nhiều đợt tăng giá cao, tác động tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng liên quan nguyên liệu gạo. Trong khi đó, giá gạo ở các siêu thị vẫn giữ bình ổn.
Theo ghi nhận, tại các cơ sở, cửa hàng kinh doanh gạo trong toàn tỉnh, gạo được bày bán rất dồi dào nhưng giá đều tăng cao, mỗi loại tăng trung bình từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với trước đó. Đây cũng là lần tăng giá gạo thứ 2 trong quý IV/2023 và mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Hiện nay, giá các loại gạo địa phương như: Gạo thơm, thơm dẻo, thơm nở… từ 16.000 - 18.000 đồng/kg; Đài Loan (thơm Gò Công) từ 22.500 - 23.500 đồng/kg; lài sữa 19.500 đồng/kg; tài nguyên Chợ Đào 20.000 đồng/kg…
Các siêu thị trong tỉnh đang bình ổn giá gạo. Ảnh: HẢI YẾN
Bà Phan Thị Thanh Trí, chủ một đại lý ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước), cho biết: Giá lúa tăng khoảng 2.000 đồng/kg, hiện là 11.800 - 12.000 đồng/kg nhưng chúng tôi không thể thu mua ở các hộ dân. Người nào trữ lúa được thì bán có lãi 1 - 1,2 triệu đồng/tấn nhưng người dân đã bán hết tại thời điểm thu hoạch, cao nhất chỉ 8.800 đồng/kg lúa khô. Hiện nay, nông dân chuẩn bị gieo sạ lúa vụ Đông Xuân, phải vài tháng tới mới có lúa để bán. Do đó, nhiều công ty tìm mua lúa nhưng tôi không còn nhiều để bán.
Theo các đại lý kinh doanh gạo, thời gian tới, khả năng giá gạo còn tiếp tục tăng vì nhu cầu của thị trường thế giới rất lớn. Chưa kể, hàng năm, thường vào dịp tết Nguyên đán, nhu cầu gạo trong nước cũng tăng cao.
Giá gạo tăng khiến nhiều sản phẩm sử dụng gạo làm nguyên liệu chính tăng cao, gây khó khăn cho người sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Ngọc Kiều, chủ cơ sở sản xuất bún, phở khô Kicafoods (huyện Hoài Ân), cho biết: Hiện nay, giá gạo DV108 dùng sản xuất bún, phở khô ở cơ sở tăng thêm 4.000 đồng/kg so với năm ngoái; hiện ở mức 15.500 đồng/kg và có thể tiếp tục tăng vào cuối năm 2023 khi bước vào vụ sản xuất hàng Tết năm 2024. Cơ sở của chúng tôi chỉ có thể trữ 10 tấn gạo phục vụ sản xuất, kinh doanh. Giá bún, phở khô tăng 2.000 đồng/kg, nhưng vì cạnh tranh giữa các cơ sở và kích cầu tiêu dùng, chúng tôi không thể tăng giá hơn.
Giá gạo tăng cao, giá nhiều mặt hàng bún, phở tươi, bánh hỏi, bánh xèo, bánh bèo, rượu gạo… đều nhích nhẹ. Trong khi đó, sức tiêu thụ các mặt hàng này trên thị trường giảm mạnh, các cơ sở, quán ăn khó tăng giá để bù vào phần do giá gạo nguyên liệu tăng. Nhiều quán cơm không còn miễn phí phần cơm thêm mà tính giá 5.000 đồng/chén. Bà Nguyễn Thị Thu, ở 108 Bạch Đằng (TP Quy Nhơn) chuyên bán bánh xèo vỏ, kể: Trước đây, tôi bán dĩa 10.000 đồng có 16 cái bánh xèo nhưng vì giá gạo tăng quá nhanh, tôi không thể lên giá, đành bớt lại còn 12 cái. Tôi đã trữ gạo vì sợ tăng giá nhưng chỉ mua tầm 1 tạ vì thiếu vốn và không có chỗ để.
Tại các siêu thị trong tỉnh, giá gạo vẫn giữ ở mức tương đối ổn định, nguồn cung không thiếu hụt. Hiện các siêu thị đã có phương án bình ổn giá bán, đáp ứng nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu cho dịp cuối năm.
Trong khi đó, mặt hàng gạo hữu cơ trong tỉnh sản xuất giá vẫn bình ổn. Ông Bùi Xuân Long, HTXNN Ân Tín (huyện Hoài Ân), cho biết: Sản phẩm gạo của HTX được chứng nhận sản xuất phù hợp với các yêu cầu của Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ quốc gia TCVN 11041-5:2018 do Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng TQC (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cấp. HTX trồng trên 1,5 ha, thu được hơn 3,7 tấn gạo, bán lẻ giá 30.000 đồng/kg. Do HTX làm gạo hữu cơ nên năng suất không cao nhưng được tiêu thụ hết tại huyện Hoài Ân và TP Quy Nhơn với giá ổn định.
HẢI YẾN