Xuất khẩu lao động chưa khởi sắc
Từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 108 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), chủ yếu tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Số lượng này chưa tương xứng với tiềm năng lao động của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh đang tập trung đẩy mạnh công tác XKLĐ.
Còn nhiều rào cản
Ông Huỳnh Ngọc Hải, Trưởng phòng Lao động- Tiền lương - Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB&XH) phân tích, công tác XKLĐ khó khăn vì nhiều nguyên nhân. Lãnh đạo một số địa phương chưa xem đây là nhiệm vụ của mình nên không quan tâm chỉ đạo, đôn đốc. Công tác tuyên truyền, tư vấn tạo nguồn vì thế chưa được thường xuyên, sâu rộng.
“Nguồn vốn hỗ trợ cho người lao động có nhu cầu XKLĐ hiện đã sẵn sàng. Ngặt nỗi, nhu cầu XKLĐ của người lao động trong tỉnh còn hạn chế”, ông Nguyễn Thúc Diệu, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Định, cho biết.
Ngoài ra, sự hạn chế về tay nghề, ngoại ngữ, ý thức kỷ luật và khả năng tài chính của người dân cũng là một rào cản. Dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số chi phí khám sức khỏe, hộ chiếu, học ngoại ngữ, nhưng tiền phí phải nộp trước khi đi XKLĐ cao là một khó khăn đối với một số lao động, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. “Nhiều người có nguyện vọng đi lao động nước ngoài nhưng ngại khi thấy phí cao, không biết nguồn vay ở đâu. Người lao động tỉnh ta có tính cần cù, chịu khó nhưng tác phong lao động, tính khuôn phép chưa cao, dễ dàng bỏ cuộc trong thời gian thử thách rèn luyện trước khi đi.
Thời gian XKLĐ sang thị trường Nhật Bản thường là 1 năm hoặc nhiều hơn (tính từ lúc nộp hồ sơ) nên người lao động e ngại. Hơn nữa, chi phí mỗi chuyến đi qua thị trường Nhật là 100 - 120 triệu đồng, quá cao đối với người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi nghĩ người lao động sẽ mạnh dạn tham gia nếu được hỗ trợ về kinh phí”, ông Đỗ Thành Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định, bày tỏ.
Xúc tiến nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động
XKLĐ là một kênh quan trọng giúp người lao động có cơ hội thoát nghèo, đặc biệt là với lao động người dân tộc thiểu số. Thời gian qua, để hỗ trợ thông tin về chính sách, thị trường lao động cho người tham gia XKLĐ, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương, nhất là 3 huyện An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh.
“Tình trạng bỏ trốn, không tuân thủ các quy định về hợp đồng của lao động đã tạo tâm lý không tốt cho nhà tuyển dụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị ký kết XKLĐ. Chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, chống lao động bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng làm việc tại các nước, đặc biệt là hai thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản”, ông Huỳnh Ngọc Hải cho biết thêm.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh công tác XKLĐ, tập trung vào các thị trường chất lượng cao, đảm bảo điều kiện ăn, ở, làm việc và thu nhập bình quân của người lao động không dưới 350 USD/tháng. Công tác XKLĐ cần đảm bảo về chất, đẩy mạnh XKLĐ tại các huyện nghèo và các đối tượng thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách. Để làm tốt công tác này, ngoài tập trung tuyên truyền, tư vấn, phải làm tốt hơn nữa công tác tạo nguồn. Bởi, hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn tuyển dụng lao động ra nước ngoài làm việc nhưng chưa mạnh dạn do chưa đảm bảo nguồn.
Để thực hiện việc này, UBND tỉnh đã xúc tiến nhiều hoạt động nhằm tìm kiếm môi trường làm việc năng động, có chất lượng, thu nhập cao cho lao động tỉnh nhà. Gần đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc và lãnh đạo tỉnh Osaka (Nhật Bản) đã gặp gỡ, trao đổi, hợp tác về nhiều lĩnh vực, trong đó có XKLĐ. “UBND tỉnh đang giao Công ty cổ phần Xây dựng 47 (đơn vị được phép XKLĐ), tiến hành đàm phán với đối tác trong vấn đề tạo công ăn việc làm cho người lao động, chủ yếu ở các ngành như xây dựng, cơ khí, may mặc. Nếu “thuận buồm, xuôi gió”, đây sẽ là cơ hội mới cho người lao động trong tỉnh XKLĐ”, ông Huỳnh Ngọc Hải bày tỏ.
TRỌNG LỢI