Cần quyết liệt hỗ trợ ngành Y tế giải quyết các khoản nợ sau đại dịch
Sáng 20.11, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH Bình Định) đã tranh luận với ĐB Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH Bình Thuận) về khoản nợ chưa trả được của các bệnh viện, cơ sở y tế trong giai đoạn Covid-19.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Bộ Y tế, các địa phương cần quyết liệt hỗ trợ ngành Y tế giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại sau đại dịch. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Hiếu đồng ý với ĐB Thông rằng đây là vấn đề nổi cộm không chỉ của tỉnh Bình Thuận mà là của đại đa số các tỉnh, thành có đại dịch bùng phát; khoản nợ không chỉ liên quan đến vật tư, thuốc men mà còn cả suất ăn, ô xy, khí nén…
ĐB Thông đề xuất Bộ Y tế và Chính phủ cho hướng dẫn. Theo ĐB Hiếu, đề xuất như vậy là chưa đủ.
Vì Chính phủ chỉ có thể đề ra nguyên tắc chỉ đạo các địa phương thực hiện rà soát, nhưng sẽ luôn kèm theo một câu “phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”. Và như vậy thì mọi việc sẽ đứng nguyên tại chỗ.
“Ngay tại bệnh viện của chúng tôi, có những trường hợp tồn đọng, nợ quá lâu mà không có cách nào chi trả được, vì đã quá thời hạn, quá năm tài khóa, thậm chí phải đưa ra tòa do tòa xử và bệnh viện chắc chắn sẽ bị xử thua. Vì dùng dụng cụ, đồ đạc của người ta, chúng tôi phải trả tiền. Bên cạnh đó còn phải kèm theo cả lãi suất ngân hàng nữa”, ĐB Hiếu nói.
Vì vậy, ĐB Hiếu đề nghị Bộ Y tế cần có văn bản hướng dẫn chi tiết về một số vướng mắc các mặt hàng cụ thể hay sử dụng trong chống dịch. Các địa phương cần quyết liệt hỗ trợ ngành Y tế bằng các nghị quyết của HĐND để giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại sau đại dịch. Có như vậy, chúng ta mới có thể thực sự kết thúc đại dịch Covid-19; để ngành Y tế có thể yên tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của người dân.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: Trong các quy định về mua sắm, đấu thầu, không có hình thức vay mượn, vay trước, trả tiền sau hoặc vay rồi mới đấu thầu để trả lại.
Nhưng, để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 - một đại dịch chưa từng có tiền lệ và rất cấp bách, đặt vấn đề đảm bảo sinh mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, trong thời gian, thực tiễn phát sinh việc các cơ sở y tế phải tạm ứng, vay mượn để đảm bảo nhu cầu chữa bệnh, xét nghiệm.
Đến thời điểm này, Nghị quyết số 99/2023/QH15 về “Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” đã giao Chính phủ xây dựng, cố gắng sớm nhất trước ngày 31.12.2024 sẽ giải quyết được vấn đề vay mượn ở các cơ sở y tế.
“Đây là việc rất khó. Chúng tôi đã phối hợp với UBND các tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Bộ Y tế đã có 2 công văn gửi UBND các tỉnh đề nghị báo cáo về thực trạng tình hình vay mượn của địa phương, của các cơ sở y tế. Đến nay, Bộ Y tế đã có thống kê tình hình của 48 địa phương, 7 bộ, ngành và các cơ sở y tế thuộc Bộ. Số vay mượn mà chúng tôi đang nắm được là 1.693 tỷ đồng, trong đó, vay mượn về mặt thuốc men, sinh phẩm khoảng 754 tỷ đồng, về kit test khoảng 939 tỷ đồng”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Trên cơ sở này, Bộ Y tế phân loại ra các hình thức vay mượn (vay đã có hợp đồng đấu thầu hay đã được đàm phán giá, hoặc chưa có gì cả) để từ đó xây dựng phương án xử lý triệt để. Bộ Y tế cũng đang giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ xây dựng các phương án.
Theo Bộ trưởng, vấn đề này do chưa có quy định trong luật pháp, Chính phủ cũng sẽ phải báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho cơ chế để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế, giải quyết các vấn đề lâu dài.
Bên cạnh đó, trong Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) cũng đã mở dần, có hình thức vay mượn, ứng trước đối với trang thiết bị, vật tư y tế, các đơn vị đang triển khai hướng dẫn để giải quyết vấn đề về lâu dài.
NGUYỄN MUỘI