RÀ SOÁT NHỮNG KIẾN NGHỊ, NHÓM KIẾN NGHỊ ĐƯỢC KIẾN NGHỊ NHIỀU LẦN:
Giải quyết dứt điểm, trả lời cho cử tri rõ
Đó là đề xuất của Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Bình Định Lý Tiết Hạnh tại phiên thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào sáng 20.11 (thuộc khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV).
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đề nghị Quốc hội rà soát các kiến nghị, nhóm kiến nghị được kiến nghị nhiều lần để trả lời rõ cho cử tri được biết và giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Nghiên cứu Báo cáo số 658/BC-UBTVQH15 và các tài liệu liên quan, đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh thống nhất với nhận định nhiều kiến nghị của cử tri đã được giải quyết có kết quả tốt.
Tuy nhiên, trong phần đánh giá về những tồn tại, hạn chế, báo cáo có nêu: Đối với việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị của cử tri của các đoàn ĐBQH, vẫn còn tình trạng kiến nghị ban hành hướng dẫn những nội dung đã được pháp luật quy định.
ĐB Hạnh băn khoăn trước nội dung này. Thực tế, việc các đoàn kiến nghị ban hành hướng dẫn hoặc xem xét những nội dung đã được pháp luật quy định có thể là có; nhưng qua thực tiễn bản thân, ĐB cho rằng phần lớn những nội dung các đoàn kiến nghị, đặc biệt những kiến nghị nhiều lần rơi vào trường hợp trên, đều là những kiến nghị khó. Trong đó, có những vấn đề hoặc do pháp luật không có hoặc chưa có quy định, hoặc có nhưng vẫn còn chồng chéo giữa các quy định, không biết phải thực hiện như thế nào.
ĐB Hạnh nêu 2 trường hợp ví dụ.
Thứ nhất, trên lĩnh vực giao thông, không chỉ ở Bình Định, nhiều tỉnh cũng vướng trong việc các dự án làm đường không tính toán đến hoặc không quy định đầy đủ các ảnh hưởng đến vùng lân cận, dẫn đến khi có ảnh hưởng, thiệt hại, người dân khiếu nại, thậm chí khiếu nại kéo dài. Khi đối chiếu các quy định lại nằm ngoài dự án, nằm ngoài quy định, chính quyền địa phương cũng không thể giải quyết được, kiến nghị ra Trung ương thì câu trả lời là “không có quy định”. Nhưng người dân vẫn kiến nghị mãi dù Đoàn đã chuyển ý kiến trả lời của bộ, ngành rất nhiều lần.
Thứ hai là liên quan đến thực hiện chế độ chính sách người có công. ĐB đánh giá cao sự nỗ lực rất lớn của ngành LĐ-TB&XH. “Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, bản thân tôi rất trăn trở vì cái khó nhất hiện nay lại là bước điều tra, rà soát ở cơ sở. Nhiều địa phương hiện khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ để giải quyết chế độ. Trong đó, phần lớn rơi vào những trường hợp không giữ được hồ sơ gốc, giấy tờ liên quan, đau ốm, bệnh tật, sống cô đơn, cán bộ thế hệ sau không có thông tin… Thực tế, việc hoàn chỉnh một hồ sơ theo quy định pháp luật hiện hành rất chặt chẽ, khó. Và cũng như tôi nêu ở trên, cử tri hiện vẫn kiến nghị rất nhiều”, ĐB Hạnh phân tích.
Từ thực tiễn này, ĐB Hạnh đề nghị Quốc hội rà soát đối với những kiến nghị, nhóm kiến nghị đã được các đoàn kiến nghị nhiều lần, chưa có quy định hoặc quy định không phù hợp với thực tiễn, lập các danh mục, giao các bộ ngành rà soát lần nữa để trả lời rõ cho cử tri được biết và giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri. Đối với những nội dung đủ điều kiện, ĐB đề nghị nghiên cứu để thể chế hóa thành các quy định pháp luật phù hợp.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời về vấn đề hồ sơ người có công tồn đọng. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã trả lời ĐB Lý Tiết Hạnh xung quanh vấn đề hồ sơ người có công tồn đọng.
Từ năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết về vấn đề này. Sau đó, Chính phủ có 3 nghị quyết chuyên đề, giao cho Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành quyết định cá biệt để xử lý, tập trung giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng.
Trải qua 7 năm, ngành LĐ-TB&XH đã rà soát trên 7.000 hồ sơ tồn đọng qua tất cả các thời kỳ đang nằm ở các địa phương, các cơ quan, các bộ, ngành. Đến nay, đã xác nhận được hơn 2.600 trường hợp là liệt sĩ, chủ yếu là liệt sĩ giai đoạn chống Pháp. Người hy sinh lâu năm nhất được xác nhận kể từ khi hy sinh là 103 năm. Có hơn 2.500 hồ sơ được xác nhận là thương binh và người hưởng chính sách thương binh.
“Tuy nhiên, hiện đã hết hồ sơ tồn đọng chưa, chúng tôi khẳng định là chưa, nhưng chủ yếu là những hồ sơ có tính chất là cá biệt. Ví dụ như ĐB Lý Tiết Hạnh nói, Bình Định có trường hợp liệt sĩ Đặng Thành Tuấn kéo dài mấy chục năm để đề xuất hồ sơ công nhận liệt sĩ nhưng không có hồ sơ. Chúng tôi đã cùng với Quân đội, cùng với tỉnh Bình Định rà soát lại gần 1 năm và cuối cùng xác nhận được trường hợp này là liệt sĩ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Nguồn: BTV
Những trường hợp còn lại là những trường hợp vô cùng khó khăn, có những trường hợp mất mấy năm mới tìm hiểu xong. Với những trường hợp cá biệt này, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương cùng với Quân đội, CA và các ngành để xác minh. Còn một căn cứ nào, một manh mối nào thì Bộ vẫn xác nhận.
Tuy nhiên, thực tế là khó khăn vô vàn. Vì hồ sơ chứng cứ không còn, người làm chứng cũng không còn, về nguyên tắc không có một căn cứ gì thì không thể xem xét được. Bộ trưởng mong đại biểu thông cảm, không phải ngành LĐ-TB&XH không quan tâm, không đầu tư vào vấn đề này. Hội đồng liên ngành đã được thành lập để xem xét từng trường hợp khi giải quyết hồ sơ tồn đọng.
NGUYỄN MUỘI