Cần đảm bảo nhân lực cho bệnh viện, trường học
Kết quả giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế HÐND tỉnh về “Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức; đề án vị trí việc làm và chính sách tinh giản biên chế các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến năm 2022” cho thấy nhiều vấn đề cần quan tâm đối với ngành y tế và giáo dục.
Ngành y tế gặp khó trong tuyển dụng
Theo Sở Y tế, dù đã rất cố gắng trong công tác tuyển dụng, nhưng ngành Y tế tỉnh vẫn chưa bố trí đủ nhân lực theo số lượng được giao. Tại các kỳ tuyển dụng viên chức ngành y tế, số lượng bác sĩ được tuyển đều thấp hơn chỉ tiêu.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại TTYT TX Hoài Nhơn. Ảnh: THẢO KHUY
Nguyên nhân là không có nguồn để tuyển dụng, số bác sĩ về tỉnh còn ít, trong khi số nghỉ việc, bỏ việc nhiều. Năm 2021, có 5 bác sĩ/27 nhân viên y tế nghỉ việc; năm 2022 con số này tăng đột biến lên 20/44.
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, nhiều đơn vị chuyên khoa, chuyên ngành rất khó tuyển được bác sĩ như: Lao, tâm thần, pháp y, giám định y khoa. Bên cạnh đó, quy định việc tuyển dụng phải theo từng vị trí việc làm khiến nhiều vị trí có thí sinh đạt yêu cầu vẫn không được tuyển (kể cả bác sĩ); trong khi nhiều vị trí không có người dự tuyển nhưng chưa có cơ chế điều chuyển chỉ tiêu phù hợp.
Năm 2021, TTYT huyện Tây Sơn đăng ký tuyển dụng 37 bác sĩ cho tuyến huyện và xã, trong đó có 18 bác sĩ diện thu hút (được hưởng chính sách thu hút và ưu đãi của tỉnh đối với bác sĩ, dược sĩ giai đoạn 2016 - 2021), kết quả chỉ tuyển được... 2 bác sĩ đa khoa diện không thu hút ở hệ điều trị. Năm 2022, địa phương này đăng ký tuyển dụng 22 bác sĩ tuyến huyện (trong đó có 9 bác sĩ diện thu hút) và 6 bác sĩ, y sĩ đa khoa tuyến xã; kết quả chỉ tuyển được... 2 y sĩ đa khoa.
“Ngành y tế, giáo dục cần được quan tâm nhiều hơn về nhân lực để phục vụ cho nhu cầu cấp thiết của nhân dân. Bên cạnh sự nỗ lực, chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của mỗi cơ quan, đơn vị, cần có sự phối hợp giải quyết từ các cấp, ngành, địa phương. Qua các buổi làm việc, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp những vấn đề của ngành y tế, giáo dục để báo cáo, phục vụ kỳ họp HĐND tỉnh vào tháng 12 tới”.
Ông PHẠM HỒNG SƠN - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát
Theo Giám đốc TTYT huyện Tây Sơn Phan Thanh Sơn, chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm đối với viên chức y tế, nhất là bác sĩ đa khoa, chuyên khoa của tuyến y tế cơ sở không phù hợp với chi phí đào tạo, không tương xứng với thu nhập của xã hội, dẫn đến tuyến cơ sở không tuyển dụng được bác sĩ. Số bác sĩ tuyển dụng mới ít hơn số bác sĩ đến tuổi nghỉ hưu. Do đó, không có nhân lực để đào tạo, triển khai kỹ thuật chuyên môn đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn huyện, cũng như kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý của đơn vị.
Ông Sơn kiến nghị: Tỉnh cần có chính sách đào tạo bác sĩ đa khoa theo địa chỉ sử dụng bằng kinh phí của địa phương, nhằm bổ sung bác sĩ cho tuyến cơ sở. Bổ sung đối tượng được hưởng chính sách thu hút, ưu đãi theo Quyết định số 34/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh cho cả bác sĩ đa khoa hệ chính quy (đào tạo tập trung 6 năm) của các cơ sở đào tạo ngoài công lập đối với cả tuyến xã, huyện.
Cùng với đó, vấn đề cần quan tâm hơn là việc giảm biên chế của tỉnh thực hiện theo hướng “đổ đồng” cho tất cả các ngành, chưa tính đến yếu tố đặc thù của ngành y tế. “Kết quả tuyển dụng còn thấp so với nhu cầu thực tế, lại phải tinh giản biên chế nữa thì khó lại càng khó trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thời gian tới, nhất là trước nguy cơ cao từ các loại dịch bệnh”, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho biết.
Ngành giáo dục thiếu biên chế
Theo Sở GD&ĐT, hiện tỷ lệ biên chế giáo viên phân bổ ở các trường học tiệm cận với quy định. Cụ thể, trường mầm non đạt tỷ lệ 1,94/2,2 giáo viên/lớp theo quy định, trường tiểu học đạt 1,45/1,5 giáo viên/lớp, trường THCS đạt 1,8/1,9 giáo viên/lớp, trường THPT đạt 1,95/2,25 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của toàn quốc, tỷ lệ này của tỉnh Bình Định còn thấp.
Ngành giáo dục đề nghị bổ sung số lượng biên chế cho các trường đảm bảo nhu cầu dạy và học.
- Trong ảnh: Một tiết học tại Trường Tiểu học Hoài Châu (xã Hoài Châu, TX Hoài Nhơn). Ảnh: H.THU
Thực hiện Nghị quyết số 72/NQ-HĐND ngày 10.12.2022 của HĐND tỉnh về phê duyệt biên chế giai đoạn 2022 - 2026 và biên chế công chức, số lượng người làm việc năm 2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4507/QĐ-UBND ngày 29.12.2022 bổ sung 310 biên chế giáo viên cho các trường mầm non và phổ thông công lập năm học 2022 - 2023. Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ trình Bộ GD&ĐT đề nghị bổ sung chỉ tiêu biên chế cho ngành GD&ĐT tỉnh giai đoạn 2022 - 2026.
Ngày 30.10.2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT, Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT (đều có hiệu lực từ ngày 16.12.2023) hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.
Theo ông Võ Ngọc Sỹ, Trường Phòng Tổ chức - Cán bộ (Sở GD&ĐT), thực hiện theo 2 thông tư mới này sẽ có sự thay đổi lớn về bố trí giáo viên mầm non trên nhóm lớp, bố trí số học sinh trên lớp khác nhau giữa vùng 1, 2, 3. Chẳng hạn, trước đây, quy định chung cho cả vùng 1, 2, 3 là trường tiểu học không vượt quá 35 học sinh/lớp, trường THCS, THPT không vượt quá 45 học sinh/lớp. Còn theo quy định mới, cấp tiểu học tùy theo vùng 1, 2, 3 có từ 25, 30, 35 học sinh/lớp; cấp THCS, THPT tùy theo vùng có từ 35, 40, 45 học sinh/lớp. Như vậy, số lớp học sẽ tăng, dẫn đến biên chế giáo viên cần bố trí cho các trường cũng tăng lên.
“Đề nghị Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu bổ sung số lượng biên chế cho các trường đảm bảo nhu cầu theo các thông tư mới của Bộ GD&ĐT, đảm bảo ít nhất có dự phòng 1 - 2 biên chế/đơn vị để giải quyết các trường hợp giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng, thừa - thiếu cục bộ giữa các bộ môn... Từ đó, giúp các đơn vị đảm bảo thực hiện nhiệm vụ”, ông Sỹ ý kiến.
HOÀI THU