Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Thanh Tra Việt Nam (23.11.1945 - 23.11.2023):
Xây dựng đội ngũ cán bộ Thanh tra chuyên nghiệp, liêm chính
Phát huy truyền thống “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, ngành Thanh tra tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ Thanh tra chuyên nghiệp, liêm chính.
Khẳng định vai trò, đóng góp tích cực
Ngày 23.11.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban thanh tra đặc biệt - tổ chức tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam ngày nay. Gắn liền với quá trình phát triển của đất nước, 78 năm qua, ngành Thanh tra Việt Nam không ngừng lớn mạnh toàn diện, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Văn Thơm đối thoại với công dân vào ngày 3.11.2023. Ảnh: Thanh tra tỉnh
Ngành Thanh tra tỉnh Bình Định ra đời sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Trải qua chặng đường 48 năm xây dựng và trưởng thành (1975 - 2023), qua nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức, cơ chế quản lý và phương thức hoạt động, ngành Thanh tra tỉnh từng bước khẳng định vai trò, có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển KT-XH của địa phương.
Theo Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Văn Thơm, nhiều năm qua, hoạt động của ngành Thanh tra tỉnh luôn phục vụ thiết thực cho các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, địa phương. Bình quân mỗi năm toàn ngành Thanh tra tỉnh thực hiện hàng trăm cuộc thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, vi phạm chính sách, pháp luật.
Chỉ riêng trong năm 2023, Thanh tra tỉnh, thanh tra các huyện, thị xã, thành phố và thanh tra các sở, ban, ngành thuộc tỉnh đã tiến hành 90 cuộc thanh tra hành chính tại 159 đơn vị. Đến nay, đã kết thúc, ban hành kết luận thanh tra 76 cuộc, phát hiện vi phạm về kinh tế gần 11,5 tỷ đồng và 9.360 m2 đất các loại; xử lý thu hồi về cho Nhà nước hơn 9,5 tỷ đồng và 8.069 m2 đất các loại; kiến nghị xử lý khác về kinh tế hơn 1,9 tỷ đồng và 1.291 m2 đất các loại; kiến nghị kiểm điểm, xử lý hành chính 12 tập thể và 42 cá nhân.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cán bộ, công chức ngành Thanh tra tỉnh luôn làm việc với tinh thần tận tụy, sáng tạo, khách quan, công tâm; xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, “Thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”.
Kỷ cương, trách nhiệm
Theo ông Nguyễn Văn Thơm, thời gian tới, ngành Thanh tra tỉnh sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy theo chủ trương chung của Trung ương và của tỉnh. Tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ công chức Thanh tra cả về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chú trọng thực hiện tốt việc tổng kết, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn qua hoạt động thanh tra.
Cùng với đó là tổ chức thực hiện thường xuyên, nghiêm túc công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, cải cách hành chính, kiểm tra, giám sát nội bộ, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức Thanh tra “Kỷ cương, trách nhiệm, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” theo đúng chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ. Tích cực triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả”. Coi chất lượng, hiệu quả thanh tra là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là căn cứ để thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật.
“Quá trình chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra phải tuân thủ nghiêm trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về thanh tra từ giai đoạn chuẩn bị thanh tra, giai đoạn thanh tra và giai đoạn kết thúc thanh tra; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thanh tra. Đồng thời, chú trọng thực hiện tốt quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành Thanh tra. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra”, ông Thơm khẳng định.
Yêu cầu quan trọng khác đặt ra là trong quá trình giải quyết công việc thuộc thẩm quyền, nếu có nội dung liên quan đến trách nhiệm của đơn vị khác, cần chủ động phối hợp để giải quyết, tuyệt đối không được đùn đẩy, lòng vòng, né tránh trách nhiệm.
MAI LÂM