Trường học tích cực ứng dụng công nghệ thông tin ứng phó mưa lũ
Ðể đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên trong mùa mưa lũ, các trường học trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những giải pháp phát huy hiệu quả rất tích cực.
Trong hai ngày 16 - 17.11, mưa lớn gây ngập lụt nhiều địa phương trong tỉnh. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhiều trường học ở TX An Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát đã cho hơn 25.000 học sinh nghỉ học trong 2 ngày này.
Chiều 21.11, Trường THPT Hòa Bình tổ chức học bù thời khóa biểu sáng 17.11, sau khi học sinh nghỉ để tránh mưa lũ. Ảnh: Trường THPT Hòa Bình cung cấp.
Ở TX An Nhơn, thầy Huỳnh Ngọc Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (TX An Nhơn), đưa ra quyết định cho học sinh nghỉ học lúc 5 giờ sáng ngày 17.11, sau khi biết tin nước dâng ngập và chảy xiết qua nhiều bờ tràn trên đường đến trường của đa số học sinh. “Trường không ngập, nhưng nếu vẫn tổ chức dạy học thì nhiều em sẽ sốt ruột, rồi chủ quan lội nước lũ đến trường. Như vậy sẽ không an toàn”, thầy Mai cho biết.
Quyết định của thầy được đài truyền thanh các xã thông báo qua hệ thống loa phóng thanh, qua ứng dụng vnEdu Connect dành cho phụ huynh và xuất hiện trong toàn bộ nhóm Zalo lớp của các giáo viên làm công tác chủ nhiệm. Nhờ vậy mà sáng hôm đó, toàn bộ học sinh của trường đã ở nhà. Sáng hôm sau, khi xét thấy mọi điều kiện đến trường đã an toàn, một lần nữa, các kênh thông tin, liên lạc nói trên được sử dụng để thông báo đến học sinh việc đi học trở lại.
Suốt 3 ngày từ 16 - 18.11, tại xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), nước lũ dâng ngập sân Trường THCS Phước Thắng và tràn vào các phòng học. Thầy Hiệu trưởng Ngô Quốc Hùng hầu như không rời chiếc điện thoại phút nào, hết gọi điện thoại cho giáo viên, cả phụ huynh, học sinh, lại lên mạng internet đăng tin, bài, cập nhật hình ảnh, video, rồi báo cáo tình hình thực tế. Có mặt thường xuyên tại trường, cùng với thầy, còn có một số giáo viên khác nhà ở gần trường, tích cực cập nhật, chia sẻ, trao đổi thông tin liên quan đến trường lớp, việc nghỉ tiếp hay khi nào đi học lại.
“Tôi đã quán triệt với toàn bộ thầy cô giáo của trường là phải tích cực cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông, trang mạng xã hội. Đặc biệt phải đưa thông tin về việc nghỉ học nhanh nhất có thể lên Zalo nhóm lớp, Zalo nhóm phụ huynh và thường xuyên phản hồi chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, câu hỏi của phụ huynh, học sinh”, thầy Hùng cho hay.
Cùng với thông báo nghỉ học, các trường đều kèm theo những khuyến cáo gửi đến phụ huynh và học sinh nhằm đảm bảo an toàn cho các em. Ở huyện miền núi An Lão, năm nay, Phòng GD&ĐT huyện phân công cán bộ, chuyên viên của Phòng phụ trách từng địa bàn cụ thể, với yêu cầu người phụ trách địa bàn đảm bảo việc liên lạc để có thể cập nhật nhanh nhất tình hình thực tế, nhất là với một số lớp mẫu giáo, mầm non, tiểu học nằm rải rác ở các thôn xa xôi.
Hiệu trưởng các trường phải kết nối 24/24 giờ với Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS các cấp. “Các thầy cô tích cực gặp gỡ, trò chuyện với phụ huynh, đề nghị họ không nên chủ quan để con mình tự đi học, tự về hoặc cho phép con đi chơi lúc ngoài trời đang mưa to, gió lớn. Bản thân phụ huynh không nên đi và càng không nên dẫn con đi theo khi đi vớt củi, đánh bắt cá trên sông, suối, hồ đập giữa khi có mưa lũ, vùng ngập sâu, nước chảy xiết...”, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Lão Lê Văn Thành cho biết.
So với mọi năm, các kênh thông tin liên lạc liên quan đến tình hình bão lũ giữa nhà trường, phụ huynh, chính quyền địa phương và các tổ chức, đơn vị liên quan đã phong phú, dễ tiếp cận hơn nhiều. Các thầy cô, ngoài việc đăng tải thông tin liên quan đến việc nghỉ học trên trang web của nhà trường, trong nhóm Zalo, còn chia sẻ các đường link, bài viết liên quan đến dự báo thời tiết, diễn biến mưa lũ, các kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó mưa lũ… để phụ huynh, học sinh đọc, tham khảo, tìm hiểu...
NGỌC TÚ