Ðổi thay ở xã miền núi Vĩnh An
Vĩnh An là xã miền núi khó khăn nhất của huyện Tây Sơn với 85% dân số là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đồng thuận hưởng ứng của người dân, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quyết tâm xây dựng thành công Vĩnh An thành xã nông thôn mới.
Đến với Vĩnh An hôm nay, không ít người bất ngờ bởi con đường rộng thênh thang thảm nhựa dài hơn 6,5 km nối các làng trong xã với nhau. Cùng với đó là 15 tuyến đường/24 km được đổ bê tông phẳng phiu. Bà Đinh Thị Nén (làng Kon Giọt 2) hồ hởi: Làng tôi giờ đẹp lắm, Nhà nước không chỉ làm đường mới mà còn xây nhà văn hóa, nhà mẫu giáo, trạm y tế... khang trang. Các chị em trong làng nhắc nhau phải trồng hoa, quét dọn đường, bỏ rác đúng quy định để làng được sạch đẹp hơn.
Lớp mẫu giáo ở Vĩnh An sạch đẹp, khang trang. Ảnh: HẢI YẾN
Các hội, đoàn thể ở xã đã đăng ký đoạn đường tự quản xanh, sạch, đẹp dài hơn 2,5 km ở các làng và trồng 200 cây bóng mát gồm bằng lăng tím, sao đen. 385/385 hộ đăng ký dịch vụ thu gom rác tại 30 thùng rác công cộng. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, 385 hộ đã xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt trong nhà.
Bà con chăm sóc vườn hoa hai bên đường, dọn vệ sinh đảm bảo xanh, sạch, đẹp cho các con đường tự quản. Ảnh: HẢI YẾN
Những năm qua, người dân xã Vĩnh An không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Các hộ nông dân học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả đạt chất lượng cao, đem lại nguồn thu nhập tốt. Người dân mạnh dạn vay vốn hơn 13 tỷ đồng đầu tư chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế. Hộ kinh doanh Trần Văn Ra (làng Xà Tang) có 2 sản phẩm vừa được huyện công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao là mít Thái và quýt đường. Sau khi các sản phẩm của ông Ra được công nhận, nhiều thương lái biết đến các vườn cây ăn trái như cam, ổi, mít, quýt... HTXNN dịch vụ tổng hợp Vĩnh An cũng đang liên kết các hộ chăn nuôi và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm heo đen, gà đồi.
Hiện thu nhập bình quân của người dân Vĩnh An đạt trên 47 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn dưới 5%, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Toàn xã có 200/385 hộ kết nối mạng internet để cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức xã hội.
Ông Đinh Hoang Binh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, chia sẻ: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết người dân trên địa bàn xã tích cực hưởng ứng, đóng góp. Nét nổi bật trong xây dựng nông thôn mới là nhận thức của người dân từng bước được nâng lên, nhiều hộ tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, tháo dỡ vật kiến trúc để xây dựng các công trình trên địa bàn. Theo thống kê của xã, từ năm 2020 đến nay, xã đã tuyên truyền, vận động hàng trăm hộ dân hiến trên 1 ha đất, đóng góp gần 4.000 công lao động làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa xã, xóm.
Với sự đổi thay như hiện nay, xã Vĩnh An phấn đấu nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, tạo tiền đề trở thành xã nông thôn mới nâng cao theo lộ trình đã đề ra.
HẢI YẾN