Ra Trường Sa làm nghề mành chà
Mấy năm gần đây, ngư dân Hoài Nhơn đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để làm nghề mành chà tại ngư trường quần đảo Trường Sa. Cách làm này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giữ nghề truyền thống vừa tích cực tham gia bảo vệ biên giới biển, đảo của Tổ quốc.
Mành chà là nghề truyền thống của ngư dân Bình Định, nhưng trước đây chỉ xuất hiện ở ven bờ, vùng lộng. Theo đó ngư dân dùng tre, lá dừa thả lơ lửng dưới biển để tạo bóng mát thu hút cá, mực đến quần cư, rồi đánh bắt bằng lưới vây. Mấy năm gần đây, ngư dân Hoài Nhơn đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để làm nghề mành chà khai thác thủy sản (KTTS) tại vùng khơi, chủ yếu ở khu vực ngư trường quần đảo Trường Sa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngư dân Hoài Nhơn chuyển vật liệu làm chà xuống thuyền để đưa ra ngư trường quần đảo Trường Sa thả chà. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Trần Ngọc Hoang, ở phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn, chủ 5 tàu đánh bắt xa bờ, một trong những ngư dân đầu tiên trong tỉnh thả chà KTTS tại đảo An Bang và đá Ba Kè (quần đảo Trường Sa) vào năm 2020, cho biết: “Đến nay tôi đã thả 20 cây chà ở khu vực quần đảo Trường Sa. Ngoài 5 tàu cá của gia đình, tôi còn hợp tác với thêm 3 tàu bên ngoài để cùng giữ chà, đánh cá tại chà, chuyển sản phẩm vào bờ bán, ăn chia theo thỏa thuận. Trung bình mỗi mùa trăng, các tàu của tôi đánh bắt khoảng 60 - 70 tấn cá, phần lớn là cá ngừ sọc dưa. Thu nhập mỗi bạn tàu từ 10 - 12 triệu đồng/người/chuyến biển, chuyến nào trúng đậm có khi lên tới 20 triệu đồng/người”.
Nhận thấy thả chà vùng khơi chi phí tuy cao, nhưng hiệu quả kinh tế rất hấp dẫn, nhiều ngư dân Hoài Nhơn đã đầu tư theo nghề này. Theo thông tin từ ngư dân làm nghề mành chà, hiện có khoảng 20 chủ tàu Hoài Nhơn đầu tư thả chà đánh cá ở quần đảo Trường Sa.
Năm nay, ngư dân Ngô Văn Giang, ở xã Hoài Hải, chủ tàu BĐ 99154-TS đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng thả 12 cây chà tại đảo Tiên Nữ (quần đảo Trường Sa). Anh Giang chia sẻ: “Thả chà vùng khơi hiệu quả KTTS rất cao. Tùy theo nước sâu hay cạn mà việc thả chà sẽ cần đầu tư nhiều hay ít. Ví dụ ở vùng nước sâu 3.000 m, cây chà mình thả phải dài 6.000 m với dây neo bám đáy biển, chi phí cho một cây chà như vậy dao động từ 170 - 180 triệu đồng, những vùng nước cạn hơn thì chi phí cho mỗi cây chà giảm xuống, từ 100 - 120 triệu đồng. Trước đây, để tạo bóng cho cây chà ngư dân hay dùng lá dừa, nhưng lá dừa ngâm nước lâu không bền; gần đây bà con bắt đầu chuyển qua dùng lưới trủ, lưới mùn thay thế dần”.
Năm 2022, ngư dân Huỳnh Chánh Thi, ở phường Hoài Hương, chủ 4 tàu cá đánh bắt xa bờ đầu tư hơn 2 tỷ đồng thả 10 cây chà tại đá Ba Kè (quần đảo Trường Sa). Anh Thi cho hay: “Để làm nghề mành chà ở vùng khơi cần lượng vốn đầu tư rất lớn, tích cực ứng dụng KHKT, công nghệ kết nối định vị những cây chà với tàu cá để theo dõi đàn cá, quản lý cây chà… Chà thả ở vùng khơi thu hút rất nhiều đàn cá đứng bóng (cá quần cư) dưới chà, như cá nục, cá ngừ sọc dưa. Khi có cá nhỏ quần tụ tại chà thì cũng sẽ thu hút các loài cá lớn như cá ngừ đại dương tìm đến săn mồi. Nhờ tập trung với mật độ cao, mình chỉ cần chong đèn dụ cá ra khỏi chà là đã có thể đánh bắt ngay, vừa đỡ tốn thời gian, chi phí đi dò tìm luồng cá, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao”.
Theo TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), nghề mành chà làm ở vùng ven bờ, vùng lộng chỉ thu hút đàn cá thuộc tầng nổi, còn thả chà làm ở vùng khơi mặc dù chi phí cao nhưng sẽ thu hút đàn cá ở nhiều tầng, cả tầng giữa, tầng nổi và đặc biệt là các đàn cá lớn di cư từ vùng biên đại dương về quần cư tại khu vực quanh chà, ngư dân đánh bắt đạt sản lượng cao, tăng hiệu quả kinh tế.
“Nghề mành chà làm ở vùng khơi rất hiệu quả nhưng chịu tác động lớn bởi thời tiết, sóng gió khắc nghiệt hơn, nên bà con ngư dân đầu tư thả chà vùng khơi phải chú ý theo dõi diễn biến thời tiết, đảm bảo tàu túc trực canh giữ cụm chà an toàn; chà phải lắp hệ thống định vị, phao tiêu, đèn hàng hải để các phương tiện khác biết mà tránh, nhằm đảm an toàn hàng hải”, TS Trần Văn Vinh khuyến cáo.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN