Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống
Thời gian qua, các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên nhiều lĩnh vực, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Nông nghiệp là lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) nhiều nhất; tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, phục vụ nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Chẳng hạn, về cây lúa, trên cơ sở khảo nghiệm kết quả tại địa phương, tỉnh đã đưa vào sản xuất đại trà nhiều giống lúa mới có năng suất cao, kháng sâu bệnh hại, thích ứng với biến đổi khí hậu để thay thế giống lúa cũ đã thoái hóa, như: ĐB 6, TBR1, VNR20, Đài Thơm 8, VNR20, An Sinh 1399, Nhị ưu 838, HYT 100… Về chăn nuôi, có giống gà ta MD1.BĐ, MD2.BĐ, MD3.BĐ của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư; CK1-BĐ, CK2-BĐ và CK3-BĐ của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh… Với các loại cây ăn quả, lâm nghiệp, ứng dụng CNSH thể hiện rõ trong bảo tồn, phục tráng, chọn tạo các giống cây quý hiếm, cây đầu dòng cho năng suất, chất lượng cao, như: Bưởi da xanh, dừa xiêm lùn, lúa nếp ngự, gen lan Đại châu, giống keo cấy mô; đáp ứng nhu cầu cây giống, phục vụ các chương trình cải tạo vườn tạp, trồng rừng của tỉnh. DN tư nhân Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh là đơn vị đi đầu trong sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao bằng công nghệ cấy mô, góp phần tạo nên năng suất, sản lượng trồng rừng vượt trội.
DN tư nhân Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh đi đầu trong sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao bằng công nghệ cấy mô. Ảnh: N.N
Bà Phan Thị Hạnh, Giám đốc DN tư nhân Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh, cho biết: Trước đây, chúng tôi thường nhân giống bằng hạt, cách làm này rủi ro cao, năng suất thấp, chất lượng cây giống ít đồng đều. Công nghệ nuôi cấy mô phân sinh tiên tiến cho phép nhân giống nhanh, số lượng lớn, chất lượng cây giống gần như đồng nhất. Vừa qua, chúng tôi đã hoàn thiện quy trình nhân giống nuôi cấy mô ở quy mô công nghiệp các giống keo lá tràm (Clt7, Clt18, Clt26), bạch đàn Caman (C55, BV2), bạch đàn lai (UP54); xây dựng các mô hình điểm sản xuất cây giống nuôi cấy mô và cây giống mô hom cải tiến; xây dựng vườn cây đầu dòng và mô hình trồng rừng gỗ lớn tại các địa phương, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, y tế, bảo vệ môi trường, công nghiệp cũng áp dụng nhiều tiến bộ CNSH và đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Đơn cử, lĩnh vực y tế, từ kết quả nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH, BVĐK tỉnh được Bộ Y tế cấp phép xét nghiệm khẳng định các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; hoặc các ứng dụng tế bào gốc trong điều trị một số căn bệnh, trong đó có bệnh nan y… Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN) cũng là một trong những đơn vị điển hình của tỉnh về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và đưa tiến bộ CNSH vào phục vụ đời sống, sản xuất. Hiện nay, đơn vị này đã sản xuất thành công một số loại chế phẩm sinh học ứng dụng trong nông nghiệp, như: BIDI-AGRI bổ sung vào thức ăn chăn nuôi, thủy sản; chế phẩm BIDI-AQUA xử lý môi trường ao nuôi thủy sản; chế phẩm BITRICHO phòng ngừa bệnh thối cổ rễ trên cây trồng cạn… Đồng thời, đã thực hiện nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ cấp cơ sở, cấp tỉnh đến cấp nhà nước. Bộ môn công nghệ vi sinh tại Trung tâm đã xây dựng bộ sưu tập trên 20 nguồn gen các chủng vi sinh vật quý, bản địa phục vụ nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm sinh học ứng dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…
Ứng dụng CNSH để xác định tính đặc hữu của giống lúa nếp ngự tại xã Hoài Sơn (TX Hoài Nhơn). Ảnh: T.L
Ông Đào Vũ Nguyên, Phó trưởng Phòng Quản lý Khoa học (Sở KH&CN), cho biết: Vừa qua, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 65-KH/TU về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30.1.2023 của Bộ Chính trị “về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030, CNSH đóng góp từ 5 - 7% vào GRDP của tỉnh; hình thành 1 trung tâm/phòng thí nghiệm trọng điểm cấp tỉnh về CNSH trên địa bàn; hỗ trợ tư vấn ít nhất 10 DN, phòng thí nghiệm hoạt động trong lĩnh vực CNSH trên địa bàn tỉnh… Tầm nhìn đến năm 2045, làm chủ được một số CNSH mới, hiện đại, có khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất tại địa phương…
AN NHIÊN