Mô hình đào tạo 9+: Hướng mở cho giáo dục nghề nghiệp
“Mô hình đào tạo kép 9+” được triển khai thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực. Các cơ sở đào tạo đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả của mô hình này.
Mô hình 9+ được hiểu là học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng không vào học lớp 10 tại các trường THPT mà chuyển sang học nghề chính quy tại các trường cao đẳng. Ở đây, cùng với học nghề, học sinh sẽ được học 7 môn văn hóa trình độ phổ thông. Sau 3 năm học, các em sẽ có trong tay một nghề (trung cấp nghề) và lượng kiến thức đủ tiêu chuẩn thi tốt nghiệp THPT hoặc từ trung cấp nghề học lên cao đẳng nghề.
Thêm lựa chọn cho học sinh
Ở thời điểm hiện tại, hai trường nghề: CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đã hoàn tất tiếp nhận học sinh, học viên trung cấp nghề đang học văn hóa tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Bình Định, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện.
Năm 2023, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đã liên kết, hợp tác, tuyển sinh, đào tạo trung cấp cho học sinh đang học văn hóa THPT thuộc Trung tâm GDTX Bình Định; Trung tâm GDNN-GDTX TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn và các huyện: Tuy Phước, Tây Sơn; Phù Cát. Nhà trường đã tuyển được 700 học sinh. Ngành nghề được các em chọn học nhiều là Kỹ thuật chế biến món ăn, Hướng dẫn du lịch, Công nghệ thông tin, Chăn nuôi - Thú y…
Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ đã tuyển 528 học sinh thuộc các trung tâm GDNN-GDTX trong tỉnh, tập trung vào các nghề đang có nhu cầu lao động lớn như: Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Thú y…
Để đạt được kết quả tuyển sinh tích cực, hai trường đã gắn kết chặt chẽ với các trung tâm trong cả 3 khâu: Tuyển sinh, đào tạo, giới thiệu việc làm hoặc định hướng để học sinh học tiếp lên cao đẳng sau tốt nghiệp trung cấp.
“Ở khâu tuyển sinh, nhà trường thông tin chi tiết, tư vấn kỹ đến phụ huynh và học sinh từng nghề. Việc tư vấn được triển khai tiếp khi các em đã nhập học, giúp các em hiểu rõ nghề, tạo điều kiện để các em có thể điều chỉnh lại nguyện vọng, từ đó quyết tâm theo nghề đã chọn”, ông Nguyễn Quốc Vỹ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Quan hệ DN (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn), cho biết.
Ông Vũ Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện- Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, cho hay: Nhà trường thực hiện chương trình trao đổi, cung cấp thông tin tuyển sinh đến giáo viên chủ nhiệm các trường THCS và trung tâm GDNN-GDTX để tăng kênh tiếp cận học sinh. Đồng thời, phát huy những kênh thông tin tư vấn trực tuyến hiệu quả như Zalo, Fanpage…
Sinh viên lớp Trung cấp nghề Hướng dẫn du lịch (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) thực hành thực tế. Ảnh: QCET
Xây dựng chương trình đào tạo phù hợp
Để tạo điều kiện cho học sinh tại địa bàn huyện Phù Cát, Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ liên kết với trung tâm GDNN-GDTX tổ chức học văn hóa hệ giáo dục thường xuyên và học nghề ngay tại cơ sở 2 của trường (xã Cát Tân, huyện Phù Cát). Sự kết hợp này tạo điều kiện cho các em có môi trường học tập tập trung. Trần Việt Hợp (20 tuổi, học sinh nghề Điện công nghiệp) chia sẻ: “Nhà em ở xã Cát Lâm, việc được tạo điều kiện ở nội trú tại ký túc xá của trường giúp cho em thuận tiện hơn trong việc học tập, thực hành. Sau 1 năm học trung cấp nghề, em đã có thể phụ trách việc nối dây điện, bắt bóng điện tại nhà, ba mẹ em rất vui”.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, công tác đào tạo nghề cho bộ phận học sinh theo mô hình 9+ cũng gặp nhiều khó khăn khi hầu hết học sinh còn chưa nhận thức được sở trường, sở đoản, năng lực bản thân; dẫn đến khá thụ động trong việc tiếp nhận thông tin về ngành nghề, lúng túng trong việc tự chọn trường, chọn nghề. Bên cạnh đó, việc vừa học văn hóa bậc THPT 3 năm, vừa học nghề (2 năm), sức ép khi vừa học văn hóa buổi sáng, buổi chiều học nghề đôi khi làm “rơi rớt” một bộ phận học sinh thiếu kiên nhẫn, quyết tâm.
“Bài học kinh nghiệm mà chúng tôi rút ra sau nhiều năm triển khai đào tạo 9+ là phải xây dựng chương trình học nghề phù hợp, đảm bảo khối lượng kiến thức kỹ năng tối thiểu để phù hợp với khả năng của các em. Đồng thời, phải đổi mới phương pháp giảng dạy, cung cấp đủ giáo trình, tài liệu hướng dẫn học tập để nâng cao tính tự học, chủ động của các em”, ông Phong chia sẻ.
Về phía Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo hoạt động đào tạo trung cấp tại các trung tâm GDNN-GDTX để chỉ đạo, trao đổi, giải quyết các công việc liên quan. Nhà trường cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất giảng dạy tại các trung tâm để đảm bảo chất lượng đào tạo. Đồng thời, kết nối để giáo viên của các trung tâm làm công tác giáo viên chủ nhiệm các lớp nghề, vì các thầy cô gần học sinh hơn, dễ hiểu các em, cũng như xử lý nhanh được các công việc.
“Quan điểm của nhà trường là vẫn đảm bảo và duy trì chất lượng đào tạo cho học sinh tại các trung tâm. Học sinh ngoài học tại trung tâm vẫn đi thực tập tại DN và là nguồn để tuyển sinh học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng”, ông Vỹ nhấn mạnh.
NGUYỄN MUỘI