Bùng phát dịch tả lợn Châu Phi ở Quảng Trị
Dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan trên diện rộng và diễn biến phức tạp tại tỉnh Quảng Trị. Dịch xảy ra vào thời điểm giao mùa, chưa có thuốc điều trị bệnh, đàn lợn cũng chưa được tiêm phòng vaccine nên khó kiểm soát.
Trại nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Hữu Chiến ở thôn Bích Lộc Triêu, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị có 120 con lợn, gồm 20 con lợn nái và 100 con lợn thịt. Từ nửa tháng nay, đàn lợn của ông mắc bệnh tả lợn Châu Phi chết dần. Hàng chục con lợn phải tiêu hủy, thiệt hại gần 100 triệu đồng. Ông Chiến lo lắng, nếu số lợn còn lại tiếp tục bị bệnh chết, gia đình ông trắng tay. Đợt dịch năm 2020, gia đình ông bị chết 20 con lợn nái, phải phá bỏ cả chuồng trại làm lại chuồng mới.
Ông Nguyễn Hữu Chiến cho hay lần này lợn bị bệnh có triệu chứng khác với đợt dịch trước nên gia đình không biết, đến khi cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm thì mới biết lợn bị chết do dịch tả lợn Châu Phi: “Độc tố dịch tả lợn Châu Phi đợt này khác với đợt dịch trước. Đợt dịch trước bị là lợn chết hàng loạt. Còn đợt dịch này, lợn bị bệnh kéo dài cả 10 ngày rồi mới chết rải rác. Lúc đầu lợn có triệu chứng lơ ăn, giai đoạn cuối phát đỏ đến khi chết mới tím tái”.
Lợn bị bệnh tả lợn Châu Phi chết.
Tại tỉnh Quảng Trị, đến ngày 21.11, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 57 thôn, 22 xã, thị trấn của 5 huyện, thị xã với 880 con lợn bị bệnh, chết buộc tiêu hủy. Theo nhận định của Cơ quan Thú y tỉnh Quảng Trị, dịch đang lây lan bằng nhiều đường khác nhau, tỷ lệ lợn mắc bệnh và chết cao, vi rút gây bệnh tồn tại lâu trong môi trường…Đang thời điểm chuyển mùa, sức đề kháng của gia súc giảm nên khả năng lây lan dịch ra diện rộng rất lớn. Khó khăn hiện nay là toàn bộ đàn lợn chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh tả lợn Châu Phi nên công tác phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.
Đàn lợn nái còn lại chưa bị bệnh của ông Nguyễn Hữu Chiến, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong.
Xã Triệu Long, huyện Triệu Phong là ổ dịch tả lợn Châu Phi ở tỉnh Quảng Trị. Đến nay, dịch đã lây lan ra đến toàn bộ các thôn trong xã. Ông Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Long, huyện Triệu Phong cho biết dịch diễn biến hết sức phức tạp, trong khi đó chính sách hỗ trợ đối với người chăn nuôi có lợn tiêu hủy vẫn chưa đến được với dân: “Biến chủng dịch tả lợn Châu Phi thay đổi rất nhiều, khi dịch mới lây lan trên địa bàn, một số hộ không biết, thấy lợn chết là đem chôn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và kinh tế của người dân”.
Do chưa được hỗ trợ khi tiêu hủy lợn bệnh nên nhiều người chăn nuôi đã không khai báo khi có dịch bệnh, gọi thýõng lái ðến bán, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát. Nhiều nơi, người chăn nuôi vứt xác lợn bệnh chết ra môi trường. Mới đây, UBND huyện Gio Linh đã phát hiện, xử phạt một hộ chăn nuôi trú tại thôn Lại An, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh 5 triệu đồng do vứt lợn chết ra môi trường và buộc phải tiêu hủy xác lợn chết.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị đang phối hợp các địa phương vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi bằng các loại hóa chất và vôi. Cơ quan chức năng yêu cầu địa phương quản lý chặt các đơn vị sản xuất, kinh doanh lợn trên địa bàn, cam kết không mua bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn chưa qua kiểm dịch; tuyên truyền người chăn nuôi thực hiện 5 không: “không giấu dịch; không mua bán vận chuyển; không giết mổ lợn bị bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm thức ăn cho lợn”.
Tiêu độc khử trùng khu vực dịch tả lợn Châu Phi.
Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết: “Các địa phương khẩn trương thành lập lại Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. Trong điều kiện như hiện nay khó có thể thành lập các chốt chặn, vì vậy, khi có xét nghiệm dương tính về dịch tả lợn Châu Phi có tính chất lây lan phải công bố dịch trên địa bàn đó, để có căn cứ hỗ trợ cho bà con khi có lợn bệnh tiêu hủy. Khi có lợn bị bệnh chết, bà con không nên vứt xác lợn ra môi trường, đây là nguồn lây lan dịch nguy hiểm nhất”.
Theo Đình Thiệu (VOV)