“Truyền lửa” lan tỏa di sản bài chòi dân gian
Trung tuần tháng 11 này, 35 nghệ nhân các CLB, đội bài chòi ở các địa phương, cộng tác viên trung tâm VH-TT&TT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tham dự lớp tập huấn hô, hát bài chòi dân gian và hướng dẫn tổ chức hội đánh bài chòi dân gian. Hoạt động do Trung tâm Văn hóa tỉnh (Sở VH&TT) tổ chức nhằm góp sức lan tỏa nghệ thuật bài chòi đến với công chúng mộ điệu.
Các học viên dự tập huấn đã được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha, nghệ nhân nhân dân (NNND) Minh Đức, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Phú nhiệt tình “truyền lửa”, tiếp thêm tình yêu bài chòi theo cách vừa giới thiệu, phân tích, rồi thực hành “cầm tay, chỉ ngón” khiến ai nấy đều vui vẻ, hào hứng.
Thực hành hô bài chòi lớp. Ảnh: NGỌC NHUẬN
NNND Minh Đức chia sẻ: “Ngoài việc duy trì hội đánh bài chòi dân gian dịp lễ, tết ở nhiều địa phương, thông qua tổ chức các lớp tập huấn như thế này, những nghệ nhân như tôi có dịp chia sẻ kinh nghiệm, truyền dạy bài chòi cho lớp trẻ kế thừa thực hành”.
Lần đầu tham gia tập huấn bài chòi, chị Nguyễn Thị Mười, Chủ nhiệm CLB bài chòi xã Phước Quang (huyện Tuy Phước), tâm tình: “Tôi đã tự tin biểu diễn trên sân khấu, tại các hội diễn bài chòi, nhưng khi tham gia lớp tập huấn bài chòi vẫn thấy rất lôi cuốn. Trước đây, tôi chỉ biết hô theo điệu xuân nữ, cổ bản, đi tập huấn tôi nắm bắt thêm được kỹ thuật chuyển từ làn điệu xàng xê qua xuân nữ, từ hò quảng sang cổ bản… để trình diễn bài chòi thuần thục, nhuần nhị hơn”.
Dù bận rộn nhiều công việc cuối năm, nhưng vì mộ bài chòi, ông Trần Xuân Quy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Thành (huyện Tây Sơn), đi tập huấn không vắng buổi nào. Ông Quy bộc bạch: “Tôi mê bài chòi lắm, nên năm ngoái khi huyện thành lập CLB bài chòi là tôi tham gia ngay. Tôi biết hô bài chòi, nhưng nhịp điệu chưa nắm chắc, đi học như thế này tôi thấy rất bổ ích, nắm rất nhiều kiến thức về lịch sử hình thành bài chòi dân gian ở Bình Định, cũng như các hình thức, kỹ thuật diễn xướng bài chòi dân gian. Sau khi học xong, tôi sẽ về địa phương tham gia gầy dựng phong trào bài chòi”.
Lớp tập huấn năm nay còn thu hút nhiều bạn trẻ tự đăng ký tham gia học hô bài chòi. Chị Trần Thị Như Thường, ở xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) là hướng dẫn viên du lịch tự do, chia sẻ: “Trước đây tôi không biết bài chòi, nhưng có lần dẫn đoàn du khách đi tham quan danh thắng, di tích ở Bình Định, họ hỏi tôi biết hô bài chòi không để hô cho họ nghe. Sau lần ấy, tôi về nhà tự tìm hiểu nghệ thuật bài chòi, rồi gặp NNND Minh Đức, NNƯT Nguyễn Phú để học bài chòi. Từ lúc biết, rồi hiểu, cho đến giờ bài chòi đã ngấm vào mình rồi. Tôi mong sẽ có nhiều lớp tập huấn bài chòi dành cho hướng dẫn viên du lịch để quảng bá di sản quê hương mình cho du khách”.
Theo NNƯT Nguyễn Phú, việc tập huấn hô, hát bài chòi dân gian rất ý nghĩa trong việc tiếp động lực cho những người yêu bài chòi có thêm niềm tin, nâng cao kỹ năng diễn xướng, nhất là thu hút được các bạn trẻ, tạo thêm hạt nhân thực hành di sản bà chòi dân gian ở các địa phương.
Đây là lần thứ hai Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức lớp tập huấn hô, hát bài chòi dân gian. Ông Huỳnh Hiệp An, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết: Lớp tập huấn năm nay có nhiều đổi mới, ngoài việc giới thiệu khái quát xuất xứ của bài chòi dân gian; tập hô, hát 27 câu thai bài chòi mẫu, câu thai mới; thực hành làm hiệu trong hội đánh bài chòi dân gian; các nhà nghiên cứu, nghệ nhân còn giới thiệu, hướng dẫn, truyền dạy hô, hát nghệ thuật bài chòi lớp, bài chòi kể chuyện… nhằm giúp các học viên có điều kiện tiếp cận, nắm vững những kiến thức cơ bản của nghệ thuật bài chòi để góp phần gầy dựng phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Qua đó, bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi dân gian, lan tỏa giá trị loại hình di sản được UNESCO ghi danh, phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN