Hội thảo về thực trạng kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào giá trị sản xuất của tỉnh
(BĐ) - Sáng 24.11, Trung tâm nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh (Sở KH&ĐT) đã tổ chức Hội thảo đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2023 về thực trạng kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào giá trị sản xuất của tỉnh và đề xuất giải pháp. Đề tài này do Ths. Trần Võ Kim Siêng, chuyên viên bộ phận nghiệp vụ Trung tâm nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh chủ nhiệm. Tham gia Hội thảo có đại diện Liên hiệp các Hội KHKT Bình Định cùng một số sở, ngành của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Các địa biểu tham gia góp ý tại Hội thảo. TIẾN SỸ
Tại Hội thảo, nhóm thực hiện đề tài đã báo cáo thực trạng các đô thị Bình Định giai đoạn 2016-2023 và báo cáo đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Trong phần báo cáo về thực trạng các đô thị Bình Định, nhóm nghiên cứu đã phân tích, đánh giá hiện trạng phân cấp đô thị tỉnh Bình Định; dân số và tỷ lệ đô thị hóa; giá trị sản xuất, đóng góp của các đô thị vào tổng giá trị sản xuất và đóng góp vào tổng thu ngân sách của tỉnh giai đoạn 2016-2022; vốn đầu tư phát triển; tăng trưởng thu nhập bình quân của người dân ở khu vực thành thị; mối quan hệ giữa tăng trưởng thu nhập và xu hướng giảm nghèo… Báo cáo về giải pháp đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, nhóm đề tài đề xuất thúc đẩy phát triển hạ tầng liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp - xây dựng; dịch vụ; nông lâm, thủy sản..
Tham gia góp ý tại Hội thảo các đại biểu đã cung cấp nhiều thông tin về thực trạng, giải pháp phát triển đô thị; đề nghị nhóm nghiên cứu đề tài cần chỉnh sửa lại một số địa danh; xem lại các số liệu về hạ tầng, ngành nghề đầu tư phát triển, dân số, tỷ lệ đô thị hóa, thu nhập, tăng trưởng của các đô thị; nhận định, đánh giá chính xác hơn về sự tác động, đóng góp của các đô thị đối với KT-XH các địa phương và của tỉnh. Đề tài cũng cần thể hiện rõ các căn cứ, cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc nghiên cứu thực hiện đề tài một cách bài bản, khoa học hơn. Trong quá trình nghiên cứu cần bám sát Nghị quyết, chương trình hành động của các địa phương, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050… để giá thực trạng, đưa ra giải pháp chính xác, phù hợp hơn.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại biểu, chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu sẽ có những rà soát, điều chỉnh để hoàn thiện nội dung đề tài.
TIẾN SỸ