Việt Nam đưa ra 4 khuyến nghị tại Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương
Ngày 24.11, tại phiên họp toàn thể thứ nhất Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 31 (APPF-31) tổ chức tại thủ đô Manila (Philippines), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã có bài tham luận quan trọng, đưa ra 4 khuyến nghị của Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa vai trò của nghị viện trong thúc đẩy hòa bình, ổn định tại khu vực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự phiên thảo luận ngày 24.11. Ảnh: Lê Dương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng trước hết, các nước cần tiếp tục duy trì cam kết chính trị mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương, hợp tác liên nghị viện, tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm hoạt động của nghị viện, nâng cao hiểu biết, xây dựng lòng tin trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Nghiêm túc tuân thủ những cam kết quốc tế, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; không sử dụng vũ lực, chính trị cường quyền và chủ nghĩa đơn phương, không gây chia rẽ.
Thứ hai, cần thúc đẩy hợp tác nghị viện ở khu vực thông qua việc củng cố các cơ chế, mạng lưới hợp tác và liên kết như APPF. Tăng cường hợp tác và giao lưu giữa các nghị viện để trao đổi thông tin, kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau; tạo ra mạng lưới hợp tác và liên kết giữa các nghị viện để tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng chung. Các nghị viện có thể hợp tác trong việc xây dựng các quy tắc và chuẩn mực chung, cùng nhau trao đổi, thảo luận các giải pháp để thúc đẩy hòa bình và ổn định cũng như cho các vấn đề toàn cầu.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đối với nghị viện các nước, cần nâng cao năng lực chuyên môn của nghị viện và các nghị sĩ để thúc đẩy hòa bình và ổn định. Nghị viện cần nắm bắt và theo sát các vấn đề quốc tế và toàn cầu, nhất là về an ninh, kinh tế, môi trường và quyền con người. Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia đầy đủ, toàn diện của người dân, kể cả các nhóm yếu thế trong xã hội vào tiến trình hoạch định chính sách phát triển và bảo đảm an sinh xã hội, nhằm phản ánh đầy đủ tiếng nói, nguyện vọng của người dân; xây dựng các chính sách, quyết sách thực sự của dân, do dân và vì dân.
Phiên họp toàn thể thứ nhất tại APPF 31 thảo luận về các vấn đề chính trị và an ninh. Ảnh: Lê Dương.
Cuối cùng, các nghị viện thành viên APPF cần ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm, tạo nền tảng cho hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Thế giới đã đi qua hơn nửa chặng đường của các Mục tiêu phát triển bền vững 2030, nhưng khoảng cách giữa cam kết và thực thi còn rất xa. Với cách làm như hiện nay thì khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ có thể hoàn thành các mục tiêu này vào năm 2065, chậm hơn 35 năm so với kế hoạch ban đầu. Do vậy, yêu cầu cấp thiết là phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính công, tư, trong nước và quốc tế, cũng như đóng góp của các tổ chức và người dân.
Cũng tại APPF-31, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định ưu tiên hàng đầu của Việt Nam luôn là giữ vững môi trường hòa bình ổn định để tập trung phát triển đất nước và cải thiện đời sống của người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm vào việc giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới. Việt Nam ủng hộ các sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới, ủng hộ việc thúc đẩy giải quyết các xung đột và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nhấn mạnh Quốc hội Việt Nam cam kết tiếp tục đồng hành cùng APPF và các nghị viện thành viên thúc đẩy vai trò xây dựng luật pháp và vai trò giám sát của các nghị viện, phối hợp với các nước thành viên để duy trì hòa bình, ổn định, giữ đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong của khu vực về phát triển kinh tế.
Theo Lê Dương (TTXVN)