Giao thông phản ánh sự văn minh của một đất nước
Sáng 24.11, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đường bộ. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH Bình Định) đã có nhiều góp ý tâm huyết.
Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh sự văn minh và hiện đại của một đất nước thể hiện một phần qua giao thông. Ông mong muốn Luật Đường bộ sẽ thể hiện được tính hiện đại, hiệu quả, trật tự ATGT sẽ thể hiện được tính khoa học và văn minh.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh tham gia góp ý dự án Luật Đường bộ bằng tài liệu hình ảnh trực quan. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Cảnh đã dành nhiều thời giờ để tham khảo, nghiên cứu hệ thống giao thông của các nước bạn, chắt lọc những điểm hay, hiện đại có thể áp dụng vào hệ thống đường bộ trong nước. Để làm rõ cho những góp ý, ĐB Cảnh đã chuẩn bị nhiều hình ảnh minh họa.
Về trạm dừng chân và điểm ngắm cảnh, như đã từng báo cáo trước Quốc hội, các nước trên thế giới hiện có 3 mô hình: điểm ngắm cảnh, điểm dừng, điểm dừng nghỉ. Bộ GTVT đã quy hoạch các điểm dừng nghỉ trên quốc lộ nhưng chỉ có một loại. Trong khi đất nước ta trải dài từ Bắc tới Nam, non sông gấm vóc, nhiều cảnh đẹp. Đường cao tốc chỉ đi qua chứ không dừng lại được. Ngay cả đường quốc lộ, nếu muốn dừng lại thì cũng không có điểm dừng; việc dừng xe gắn máy, ô tô dọc đường để chụp hình thì rất nguy hiểm.
Các nước trên thế giới chọn những điểm rất đẹp để làm các điểm ngắm cảnh và tạm thời nghỉ ngơi. Trong khi đó, các cánh rừng ở Tây Bắc, bờ biển dọc các tỉnh duyên hải miền Trung của nước ta rất đẹp. ĐB đề nghị trong khoản 3 Điều 3 bổ sung thêm điểm ngắm cảnh. Bởi trạm dừng chân muốn hiệu quả phải xã hội hóa; còn điểm ngắm cảnh thì Nhà nước phải làm.
Liên quan tới nhà đỗ xe, ĐB cho rằng việc xây các nhà đỗ xe ở các thành phố lớn hiện rất khó triển khai vì “đầu tư tiền chẵn, thu về tiền lẻ”. Để khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, ĐB đề nghị ngoài chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, cần có chính sách cho tư nhân được chuyển nhượng một phần chỗ đỗ xe như là một tài sản hình thành trong tương lai. Như vậy, tư nhân sẽ có một nguồn tiền ban đầu để đầu tư và sau đó họ sẽ dùng một số tầng trệt để kinh doanh thương mại, một số khác cho thuê.
Để an toàn cho các nhà đỗ xe, khu vực đỗ xe sẽ làm ở các tầng phía trên, tầng trệt với các tầng hầm sẽ làm khu vực thương mại. Các nhà đỗ xe ở nước ngoài có kiến trúc rất đẹp. Chúng ta cũng có thể dùng kiến trúc ấn tượng hoặc là kiến trúc xanh sẽ hiệu quả và đẹp hơn.
Góp ý về bảng chỉ đường, quy định tại khoản 3 Điều 14, ĐB Cảnh đề nghị thể hiện số nhà và hướng rẽ tương ứng tại các ngã tư để người đi đường tiện quan sát, xác định hướng rẽ, góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Bên cạnh đó, bảng chỉ đường cũng nên có mã QR code để giới thiệu thông tin tên đường, các dịch vụ, cơ sở kinh doanh trên con đường đó, các thông tin liên quan tới con đường… để thuận tiện cho người dân và du khách.
Liên quan tới quy định về làn đường và thứ tự làn đường hiện tại, ĐB đề nghị đặt tên theo 2 cách.
Một là cách đặt tên theo số làn đường mà sát bên tay trái là làn số 1, rồi từ đó qua phải tăng dần 2, 3, 4, 5. Cách thứ hai đặt tên theo dạng chữ. Nếu làn số 1 gọi là làn sát trái, làn số lớn nhất thì sẽ làn sát phải, bên cạnh đó chúng ta cũng đặt làn giữa và làn chính giữa.
Sau này, nhiều làn đường quá, phức tạp hơn thì chúng ta dùng ký hiệu trên đường và ký hiệu trên bảng chỉ đường, như vậy sẽ không bị nhầm lẫm và dễ tham gia giao thông.
Góp ý về biển cảnh báo, ĐB nhận thấy kinh nghiệm ở nước ngoài dùng các bảng cảnh báo dạng hình thoi. “Hình thoi nếu cùng chiều ngang thì diện tích thể hiện tăng 50% so với hình tam giác chúng ta đang dùng. Tôi đề nghị Bộ GTVT quan tâm đưa vào các quy chuẩn để áp dụng các dạng hình đó. Bên cạnh đó, cũng cần quy định không cho DN và người dân tự cắm các biển cảnh báo của Nhà nước, để tránh nhầm lẫn giữa việc Nhà nước cắm biển và DN cắm biển”, ĐB Cảnh đề xuất.
Liên quan Điều 26 về sơn biển báo tốc độ và phương tiện lên mặt đường, hiện có rất nhiều biển gộp, biển tốc độ quy định trên một tấm bảng rất khó cho người dân quan sát và nhiều biển bị che khuất. ĐB đề nghị đối với những địa điểm đường rộng, chúng ta in biển báo phương tiện và biển báo tốc độ lên mặt đường. Và in số thể hiện tốc độ trong hình oval theo chiều đứng để lái xe nhìn xuống mặt đường thì biển báo sẽ vẫn như hình tròn, giúp thấy rõ hơn.
Liên quan tới gương cầu lồi và gờ giảm tốc, Điều 27 về công trình ATGT đường bộ quy định là “gương cầu lồi phải được lắp đặt tại lưng đường cong bán kính nhỏ và tầm nhìn che khuất”, ĐB đề nghị bổ sung quy định thêm tại “các điểm giao cắt có nguy cơ xảy ra va chạm cao, tại các ngõ hẻm ra đường lớn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn”. Đồng thời, bổ sung “gờ giảm tốc được lắp đặt ở khu dân cư đông đúc, gần trường học mà cho phép xe khách, xe tải lưu thông tốc độ cao, tại các đường nhánh, ngõ hẻm ra đường lớn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn” để đảm bảo ATGT.
Khẳng định tầm quan trọng của Luật Đường bộ, ĐB Cảnh đề nghị nếu có phát sinh kỳ họp kế tiếp, xin bổ sung thêm 1 buổi góp ý Luật trước khi thông qua vào kỳ họp giữa năm sau.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết rất cảm động trước các ý kiến đóng góp hết sức trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc của các vị ĐBQH. Trong đó, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đã dành rất nhiều tâm sức để nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu gửi cho cho cơ quan soạn thảo.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao những góp ý tâm huyết của ĐB Nguyễn Văn Cảnh. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
“Ngày hôm nay còn rất nhiều vấn đề chúng tôi thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu, như vấn đề liên quan đến hành lang ATGT, trạm dừng nghỉ, đường giao thông nông thôn, đường đô thị, các hoạt động sửa chữa, nâng cấp của các tuyến đường cao tốc... Bộ GTVT sẽ phải tiếp tục nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị ĐBQH đã thảo luận hôm na yđể hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo chất lượng tốt nhất khi trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới”, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định.
NGUYỄN MUỘI